Quốc hội mới của Ai Cập sẽ trung thành với Tổng thống al-Sisi

​Cuộc bầu cử Quốc hội ở Ai Cập, dự kiến bắt đầu vào ngày 17/10 tới, nhiều khả năng sẽ đưa đến một cơ quan lập pháp thân cận và trung thành với đương kim Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi.
Quốc hội mới của Ai Cập sẽ trung thành với Tổng thống al-Sisi ảnh 1Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. (Nguồn: AFP)

Cuộc bầu cử Quốc hội ở Ai Cập, dự kiến bắt đầu vào ngày 17/10 tới, nhiều khả năng sẽ đưa đến một cơ quan lập pháp thân cận và trung thành với đương kim Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi.

Theo Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập, có tổng số 5.941 ứng cử viên độc lập và 14 liên minh sẽ chạy đua để tranh 596 ghế trong Quốc hội sắp tới.

Ai Cập có 209 khu vực bầu cử, trong đó 204 khu vực bầu cử dành cho các ứng cử viên độc lập và 4 khu vực bầu cử còn lại dành cho các ứng cử viên tranh cử theo danh sách đảng phái.

Hơn 100 đảng tham gia chạy đua vào Quốc hội sắp tới, nhưng đại đa số mới được thành lập và nhiều người dân không biết tới các đảng phái này.

Giới phân tích dự đoán sẽ không có đảng phái nào đủ mạnh để chiếm ưu thế tại cuộc bầu cử sắp tới. Đảng Salafist Al-Nur, vốn ủng hộ cuộc lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, là đảng Hồi giáo duy nhất chạy đua vào Quốc hội lần này, được biết đến là tổ chức trung thành với Tổng thống al-Sisi.

Theo Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập, vòng một cuộc bầu cử sẽ diễn ra từ ngày 17-28/10 tại 14 tỉnh: Giza, Fayoum, Beni Suef, Minya, Assuit, Sohag, Qena, Luxor, Aswan, New Valley, Red Sea , Beheira, Alexandria và Marsaw Matruh. Dự kiến, 87 tổ chức phi chính phủ sẽ tham gia giám sát cuộc bầu cử.

Bầu cử Quốc hội là giai đoạn thứ ba và cũng là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Morsi hồi tháng 7/2013. Cuộc bầu cử Quốc hội này vốn được ấn định vào ngày 21/3 nhưng đã bị hoãn lại sau khi Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập phán quyết rằng các đạo luật bầu cử không phù hợp với Hiến pháp, đồng thời ra lệnh tạm ngừng cuộc bầu cử.

Kể từ tháng 6/2012, Ai Cập không có Quốc hội sau khi Tòa án Hiến pháp Tối cao ra lệnh giải tán Quốc hội với lý do vi phạm Hiến pháp. Theo quy định của Hiến pháp mới được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào tháng 1/2014, bầu cử Quốc hội tại Ai Cập sẽ được tổ chức trong vòng 6 tháng kể từ khi Hiến pháp có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục