Sau tuyên bố của WHO, thị trường chứng khoán châu Mỹ tiếp tục lao dốc

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, kết thúc phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm khoảng 1.470 điểm, tương đương 5,9%, ở mức 23.551,02 điểm.
Sau tuyên bố của WHO, thị trường chứng khoán châu Mỹ tiếp tục lao dốc ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 9/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Phố Wall tiếp tục ngập sắc đỏ trong phiên giao dịch chiều 11/3 (giờ Mỹ) sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, kết thúc phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm khoảng 1.470 điểm, tương đương 5,9%, ở mức 23.551,02 điểm.

Chỉ số S&P 500 cũng giảm 4,9% còn 2.741,31 điểm, trong khi đó chỉ số Nasdaq Composite giảm 4,7% còn 7.952,05 điểm. Những lo ngại về tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19 trên khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ, tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư chứng khoán.

[Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 11/3 giảm mạnh]

Tại Brazil, thị trường chứng khoán Sao Paulo đã phải tạm ngừng giao dịch lần thứ 2 trong tuần sau khi các chỉ số giảm mạnh do các nhà đầu tư lo ngại về những tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3, chỉ số Ibovespa giảm 7,64% sau khi giảm 10,1% trước đó và điều này đã kích hoạt bộ ngắt tự động khiến giao dịch gián đoạn trong vòng 30 phút.

Tình trạng này xảy ra chỉ 2 ngày sau "Ngày thứ Hai đen tối" (9/3) cũng chứng kiến tình huống tương tự (với mức giảm 12,7%, chỉ số tồi tệ nhất kể từ năm 1998).

Các chỉ số chứng khoán trong lĩnh vực dầu khí và hàng không của Brazil cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch bệnh đã tác động mạnh đến cả 2 ngành công nghiệp này.

Cổ phiếu của công ty dầu khí nhà nước Petrobras đã giảm hơn 10% sau khi đã giảm 30% hôm 9/3. Cổ phiếu của các hãng hàng không Azul và Gol cũng mất gần 15%.

Trước bối cảnh ảm đạm trên, Chính phủ Brazil, nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2020 từ mức 2,4% xuống 2,1%, đồng thời cảnh báo có thể tiếp tục cắt giảm nhiều hơn nữa do quan ngại những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm.

Brazil đã ghi nhận có hơn 50 ca nhiễm bệnh và chưa có trường hợp tử vong nào, nhưng nước này có mối quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc, nơi bùng phát dịch đầu tiên cũng chịu ảnh hưởng lớn về kinh tế.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và cũng là nhà nhập khẩu chính các mặt hàng chủ chốt của quốc gia Mỹ Latinh này.

Cũng trong ngày 11/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh New York thông báo sẽ tăng cường bơm tiền mặt vào thị trường tài chính mỗi ngày 25 tỷ USD lên ít nhất 175 tỷ USD nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế do đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing thông báo ngừng hầu hết việc thuê và trả lương ngoài giờ trong bối cảnh hãng này đang phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng là việc cấm bay đối với dòng 737 MAX và dịch COVID-19 khiến nhu cầu đi lại giảm.

Cổ phiếu của Boeing đã giảm hơn 18% sau khi tập đoàn này công bố các biện pháp "thắt lưng buộc bụng"./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục