Số ca tử vong do COVID-19 tại Italy vượt ngưỡng 25.000

Chính phủ Italy đã công bố giai đoạn 2 nhằm ứng phó với dịch COVID-19 sẽ bắt đầu từ ngày 4/5, trong đó bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội đảm bảo khoảng cách an toàn.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy, ngày 20/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy, ngày 20/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 22/4, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo nước này đã ghi nhận thêm 3.370 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 187.327 trường hợp.

Trong đó, số ca tử vong tăng lên 25.085 trường hợp (tăng 437 ca) và số ca hồi phục là 54.543 ca (tăng 2.943 ca). Cơ quan trên cũng cho biết Italy hiện có 23.805 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 2.384, giảm 87 trường hợp.

Trong khi đó, vùng tâm dịch Lombardy, phía Bắc Italy, ghi nhận 9.692 ca nhập viện (giảm 113 trường hợp), trong đó, số ca điều trị tích cực là 817 ca (giảm 34 trường hợp). Tổng số ca mắc COVID-19 tại vùng này là 69.092 ca (tăng 1.161 trường hợp), số ca tử vong là 12.740 ca (tăng 161 trường hợp), và số ca hồi phục là 42.820 trường hợp (tăng 1.147 ca).

[Italy đối mặt khó khăn trong việc đưa ra quyết định gỡ bỏ phong tỏa]

Cùng ngày, Chính phủ Italy đã công bố giai đoạn 2 nhằm ứng phó với dịch COVID-19 sẽ bắt đầu từ ngày 4/5. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nêu rõ chính phủ sẽ thông qua sắc lệnh mới về tình trạng khẩn cấp với gói hỗ trợ không dưới 50 tỷ euro.

Trong giai đoạn 2, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội đảm bảo khoảng cách an toàn khi mà vẫn chưa có liệu pháp điều trị bệnh và vắcxin phòng ngừa.

Theo Thủ tướng Conte, việc mở cửa trở lại sẽ tiến hành đồng nhất trên toàn lãnh thổ, song có xét đến đặc thù từng vùng. Ông khẳng định, một giai đoạn rất phức tạp đang ở phía trước và nước này phải tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế hiện nay, song phải dựa trên một kế hoạch chặt chẽ.

COVID-19 đang tác động tiêu cực đến các đối tượng dễ tổn thương và nguy cơ gây ra đói nghèo, do đó, chính phủ cần phải tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục