Ngày 16/7, Liên hợp quốc thông báo số ca tử vong vì bệnh AIDS và số ca lây nhiễm virus HIV mới trên toàn cầu đã giảm hơn 1/3 trong thập kỷ qua, làm dấy lên hy vọng có thể loại bỏ được căn bệnh thế kỷ này.
Trong báo cáo công bố trước Hội nghị quốc tế lần thứ 20 về bệnh AIDS, dự kiến diễn ra trong các ngày 20-25/7 ở Australia, Cơ quan phòng chống AIDS thuộc Liên hợp quốc (UNAIDS) cho biết số ca tử vong liên quan căn bệnh này giảm từ 1,7 triệu người trong năm 2012 xuống 1,5 triệu người trong năm ngoái. Đây là sự sụt giảm mạnh nhất kể từ khi tỷ lệ người chết vì AIDS lên đến đỉnh điểm trong các năm 2004-2005. Số ca lây nhiễm mới cũng giảm hơn 2 triệu ca trong năm ngoái, giảm 38% so với mức trên 3 triệu ca trong năm 2011.
Báo cáo cũng cho biết năm ngoái ghi nhận 35 triệu người sống chung với HIV trên toàn cầu, tăng so với gần 35 triệu trường hợp trong năm trước. Trong số này có 19 triệu người không biết mình bị lây nhiễm.
Châu Phi vẫn là nơi chịu tác động mạnh nhất với 1,1 triệu trường hợp tử vong vì AIDS, 1,5 triệu ca lây nhiễm mới và gần 25 triệu người sống chung với HIV. Đáng chú ý nhất là Nam Phi, tiếp đến là Nigeria. Ở châu Á, mối lo ngại tập trung vào Ấn Độ và Indonesia với số ca lây nhiễm ở Indonesia tăng 48% kể từ năm 2005.
Người đứng đầu UNAIDS Michel Sidibe cho biết dù nỗ lực của cộng đồng quốc tế chống bệnh AIDS đã đạt những bước tiến lớn nhưng cuộc chiến này còn lâu mới kết thúc khi thế giới vẫn còn 35 triệu người chung sống với HIV.
Cũng theo ông Michel Sidibe, trong năm năm qua thế giới đã đạt được nhiều bước tiến trong việc phòng chống AIDS như tăng số người được sử dụng thuốc kháng HIV lên gần 13 triệu người hiện nay so với mức hơn 5 triệu người trong năm 2009. Tuy nhiên, nhiều khả năng UNAIDS sẽ không đạt được mục tiêu nâng con số này lên 15 triệu người vào năm 2015 như tuyên bố trước đó.
Ông Michel Sidibe nhấn mạnh năm năm tới sẽ là thời kỳ quyết định đối với cuộc chiến chống AIDS trong 15 năm sau đó.
Hiện tại, nguồn tài trợ cho cuộc chiến chống AIDS đã tăng từ xấp xỉ 4 tỷ USD năm 2002 lên trên 19 tỷ năm 2013. Tuy nhiên Liên hợp quốc khó huy động được 22-24 tỷ USD vào năm 2015.
Trong bối cảnh một số cộng đồng còn chưa được quan tâm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây kêu gọi thế giới nỗ lực hơn nữa trong điều trị căn bệnh nguy hiểm này đối với người đồng tính, người chuyển giới, tù nhân, người tiêm chích ma túy và người làm nghề mại dâm, các đối tượng chiếm khoảng một nửa số ca lây nhiễm mới trên toàn thế giới./.