"Sứ giả" góp phần lan tỏa giá trị văn hóa của cổ phục Việt Nam

Đam mê cổ phục Việt, ông Trần Thanh Tòng là người đã có hơn 3 năm gắn bó với việc “phục hưng” lại những tà áo dài ngũ thân góp phần tôn vinh nét đẹp truyền thống của người Việt Nam.
"Sứ giả" góp phần lan tỏa giá trị văn hóa của cổ phục Việt Nam ảnh 1Ông Trần Thanh Tòng hoàn thiện một chiếc áo dài Nhật bình. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

“Càng tìm hiểu về cổ phục, nhất là áo dài ngũ thân, tôi càng bị cuốn hút bởi nét tinh tế trong từng chi tiết, trong tổng thể cũng như những triết lý nhân sinh được gửi gắm trong đó. Do vậy, tôi quyết lòng theo đuổi nghề may áo dài ngũ thân; mong muốn đưa hình ảnh chiếc áo dài này trở lại trong đời sống xã hội hiện nay, nhất là được các bạn trẻ tiếp nhận hào hứng.”

Đó là tâm sự của thợ may Trần Thanh Tòng, người đã có hơn 3 năm gắn bó với việc “phục hưng” lại những tà áo dài ngũ thân góp phần tôn vinh nét đẹp truyền thống của người Việt Nam.

Đam mê với cổ phục Việt

Ông Trần Thanh Tòng (52 tuổi) - chủ tiệm may Thanh Tòng ở đường Huỳnh Cương (phường An Cư, quận Ninh Kiều) đang hoàn thành những khâu cuối cùng của chiếc áo Nhật bình màu đỏ.

Vừa thao tác tỉ mẩn đính những chiếc khuy lên áo, ông cho biết, đây là Triều phục dành cho các cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và cũng là thường phục của hoàng hậu, công chúa thời trước.

Chữ “Nhật bình” xuất phát từ lý do áo có phần cổ thiết kế hình chữ nhật to bản, hai vạt được cố định bằng dây buộc, khi mặc vào phần trước ngực được ghép lại thành một hình chữ nhật.

Điểm nhận diện của áo Nhật bình nữa là khắp thân áo thường được trang trí lộng lẫy bằng các hoa văn dạng tròn, dạng phụng ổ, loan ổ đan xen với các hình hoa lá, chữ Phúc, chữ Thọ... đính kim tuyến lấp lánh. Để hoàn thành được chiếc áo này, người thợ phải bỏ ra nhiều công sức từ công đoạn chọn vải, đến hoa văn, cúc áo.

[Tôn vinh giá trị văn hóa Việt: Đưa áo dài ngũ thân về bản sắc vốn có]

Ông Trần Thanh Tòng chia sẻ ông bắt đầu theo nghề may từ năm 18 tuổi, đến năm 20 tuổi trở thành thợ lành nghề và gần 30 năm chỉ chuyên may quần Tây, áo sơmi.

Mấy năm trở lại đây, ông có cơ duyên được tìm hiểu về cổ phục Việt Nam; đồng thời nhận thấy giới trẻ có xu hướng mặc cổ phục chụp ảnh cưới, du Xuân, lễ Tết. Vốn yêu văn hóa truyền thống quê hương, từ năm 2018, ông mạnh dạn chuyển sang may áo dài ngũ thân để vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa quảng bá vẻ đẹp trang phục dân tộc đến bạn bè gần xa.

"Sứ giả" góp phần lan tỏa giá trị văn hóa của cổ phục Việt Nam ảnh 2Ông Trần Thanh Tòng ướm thử đồ cho khách. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Dù là thợ may lâu năm nhưng thời gian đầu may cổ phục, ông Trần Thanh Tòng gặp không ít khó khăn. Việc tìm kiếm, lựa chọn chất liệu vải sao cho chiếc áo đứng dáng mà vẫn toát lên nét mềm mại, sang trọng là khó nhất. Nhiều lần, ông phải đặt lại vải vì chất liệu chưa ưng ý. Bên cạnh đó, tỷ lệ độ cao cổ áo, độ dài tay áo, mức xòe vạt áo… phải đảm bảo đúng chuẩn mực mới tạo ra được chiếc áo cổ phục đúng chuẩn.

Để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe này, ông phải tìm tòi học hỏi thêm bằng việc đọc sách, học qua mạng, xem hình ảnh tư liệu, tham khảo ý kiến những người hiểu biết về cổ phục… Khi may, ông chăm chút từng đường kim mũi chỉ, phom dáng áo… và sẵn sàng chấp nhận bỏ đi may lại nếu thấy áo chưa đạt chuẩn.

Ông Trần Thanh Tòng cho biết thêm sự xê xích chút ít trong độ dài hoặc xòe của vạt áo, độ cao của cổ áo… khách hàng sẽ không thể nhận ra được nhưng bản thân ông lại cảm thấy bứt rứt nếu giao chiếc áo đó cho khách. Vì vậy, ông sẽ may lại chiếc áo khác cho đến khi thấy hài lòng. Ông tâm niệm rằng đó không đơn thuần là một chiếc áo dài mà còn là một thông điệp, tình yêu và sự tự hào dân tộc.

Trong các loại cổ phục, ông ấn tượng nhất với dòng áo dài ngũ thân bởi vì cổ phục này hàm chứa các quan niệm nhân sinh quan sâu sắc. Gọi là áo ngũ thân vì loại áo này được ghép bởi 5 vạt (5 thân) gồm hai thân trước, hai thân sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ 5 ở phía trước nằm bên phải, trong thân thứ nhất.

Năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: 4 thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu,” thân trong tượng trưng cho người con.

Áo ngũ thân có năm cúc, tượng trưng cho ngũ thường (nhân-lễ-nghĩa-trí-tín), ngũ luân (quân thần: vua-tôi, phụ tử: cha-con, phu phụ: chồng-vợ, huynh đệ: anh-em, bằng hữu: bạn bè).

Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý. Áo dài ngũ thân nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác vài đặc điểm như: cổ áo nữ thấp hơn nam, ống tay áo nữ hẹp hơn ống tay áo nam, vạt áo nam dài hơn áo nữ. Áo nam và nữ đều có 5 cúc, hàng cúc chạy theo vạt bên trái, phía trước rồi xuống eo.

“Sứ giả” lan tỏa giá trị văn hóa

Bên cạnh việc tự tìm hiểu, trau dồi kiến thức, ông Trần Thanh Tòng còn cùng anh Nguyễn Duy Linh (ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) - một bạn trẻ yêu thích nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ xưa hoàn thành những chiếc áo đúng chuẩn thời xưa.

Anh Nguyễn Duy Linh chia sẻ thời gian đầu, ông Tòng may chưa được chuẩn theo kiểu áo dài cổ phục. Hai anh em đã cùng tìm hiểu, mang hiện vật đối chiếu để phân biệt được áo đúng chuẩn của mỗi miền. Đặc biệt, trang phục áo dài ngũ thân sử dụng trong các nghi lễ đòi hỏi tính trang trọng, vì vậy phải canh vải sao cho các thân, hoa văn đối xứng, cân chỉnh đều đặn.

"Sứ giả" góp phần lan tỏa giá trị văn hóa của cổ phục Việt Nam ảnh 3Một bạn trẻ hào hứng thử cổ phục tại tiệm may Thanh Tòng. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Khi may một chiếc áo, ông đều cân nhắc kỹ đường kim mũi chỉ, họa tiết hoặc là nét đặc trưng của chiếc áo. Ông Trần Thanh Tòng là một trong những người đang tiếp nối quá trình phát triển của chiếc áo dài cổ phục, giúp các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận văn hóa Việt Nam xưa qua trang phục.

Mấy năm nay, giới trẻ rất yêu thích và mặc áo ngũ thân ngày càng phổ biến. Người trẻ mặc áo ngũ thân trong các dịp lễ Tết, đám cưới, thậm chí trong các không gian quen thuộc như gia đình, điểm vui chơi văn hóa.

Do vậy, tiệm may cổ phục Thanh Tòng đã thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến đặt may. Mỗi chiếc áo sẽ tùy loại vải, họa tiết thêu và cách thức may sẽ có giá từ 1-3 triệu đồng.

Là người mẫu ảnh, thường chọn áo dài mặc vào những dịp đặc biệt và chụp ảnh tại những nơi trang nghiêm, chị Nguyễn Thị Lệ Trinh (23 tuổi) đến từ tỉnh Sóc Trăng cho biết rất bất ngờ khi có thể sở hữu một chiếc áo dài theo phong cách cổ phục ngay tại một tiệm may ở Cần Thơ. Khi khoác trên mình bộ áo dài ngũ thân, chị cảm thấy thêm tự hào là người Việt Nam.

Theo ông Nhâm Hùng - nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, việc tìm hiểu về văn hóa xưa của dân tộc đã là rất đáng quý; bảo tồn, lưu giữ, lan truyền những giá trị văn hóa ấy lại càng đáng trân trọng.

Ông Trần Thanh Tòng xứng đáng là một "sứ giả” góp phần đưa các giá trị văn hóa xưa vào đời sống hiện đại, giúp các bạn trẻ thêm hiểu, trân quý giá trị văn hóa của dân tộc. Ông Trần Thanh Tòng chăm chút những loại trang phục xưa dù lợi nhuận về kinh tế không nhiều. Điều này cho thấy sự đam mê của người thợ may có tâm huyết giữ gìn, phát huy vẻ đẹp của trang phục truyền thống.

Là một người chuyên nghiên cứu văn hóa, ông Nhâm Hùng mong muốn sẽ có nhiều người thợ như ông Trần Thanh Tòng để truyền nghề lại cho thế hệ trẻ.

Chia sẻ về định hướng tương lai, ông Trần Thanh Tòng cho biết, ông sẽ nỗ lực hơn nữa trong nghiên cứu các cổ vật để hiểu cặn kẽ hơn về cổ phục. Ông khá “kén khách,” như vậy, ông mới trau chuốt để có sản phẩm hoàn thiện nhất. Những thợ may nào có nhu cầu tìm hiểu về lĩnh vực này, ông sẵn lòng truyền nghề và hiểu biết của bản thân để góp phần lan tỏa vẻ đẹp của cổ phục Việt Nam.

Xu hướng khách hàng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ thích mặc cổ phục Việt trong những dịp trang trọng là một tín hiệu đáng mừng. Vì vậy, việc làm của ông Trần Thanh Tòng là cách để lan tỏa và khẳng định “dù chiếc áo dài ngũ thân từng trải qua nhiều lần cách tân, nhưng nó không mất đi mà đang trở về với nguyên bản và sẽ sống cùng thời đại”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục