Tôn vinh giá trị văn hóa Việt: Đưa áo dài ngũ thân về bản sắc vốn có

Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giúp công chúng thêm hiểu, trân trọng giá trị của trang phục dân tộc.
Tôn vinh giá trị văn hóa Việt: Đưa áo dài ngũ thân về bản sắc vốn có ảnh 1Trình diễn áo dài ngũ thân truyền thống. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Áo dài là một hình ảnh thân thuộc, gắn với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Từ đời sống, áo dài đi vào thơ ca, nhạc, họa và đến nay đã vươn ra thế giới. Qua thời gian, áo dài nữ được cách tân nhiều lần để phù hợp với thẩm mĩ mỗi thời kỳ khác nhau.

So với áo dài nữ, áo dài dành cho nam dường như bị lãng quên trong đời sống của người Việt, chỉ còn xuất hiện trên sân khấu, tế lễ với cái nhìn không mấy tích cực. Nhưng nay, áo dài ngũ thân của nam giới đang được vận động để trở lại đời sống đúng với bản sắc vốn có.

Những đổi thay tích cực

Ở Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) có một không gian đặc biệt dành cho áo dài ngũ thân do Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt khai trương.

Đây là hành động thiết thực của những người yêu mến áo dài ngũ thân nam, tạo cơ hội cho công chúng, du khách được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về những giá trị của trang phục áo dài truyền thống.

Trong không gian này trưng bày các sản phẩm trang phục áo dài ngũ thân truyền thống của các nghệ nhân như Năm Tuyền (Thành phố Hồ Chí Minh), Đỗ Minh Tám (Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội), Đặng Duy Linh (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội); trưng bày các sản phẩm lụa của các nghệ nhân: Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội), Lê Đăng Toản (La Khê, Hà Đông, Hà Nội), Phạm Văn Thực (Nha Xá, Duy Tiên, Hà Nam)...

Họ đều là những nghệ nhân nổi tiếng, luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản truyền thống, đưa các giá trị này gần gũi hơn với đời sống…

[Áo dài - Di sản văn hóa Việt, niềm tự hào của người Việt Nam]

Ngoài trưng bày sản phẩm áo dài của các nghệ nhân, khách tham quan có dịp tiếp xúc với các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân may, nghệ nhân dệt lụa, tư vấn cách may, mặc áo dài ngũ thân đúng cách…

Cuối tháng 1/2021, một số thành viên nam của nhóm Đình làng Việt đã có cuộc du xuân sớm trên phố cổ, di tích, danh thắng, Nhà hát Lớn, kem Tràng Tiền, bờ hồ Hoàn Kiếm trong tà áo dài ngũ thân nam. Trên tay còn mang theo hoa đào, câu đối, chiếc quạt giấy… người qua đường không khỏi tò mò, thích thú. Nhiếp ảnh gia Khang Chu Long đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp này, góp phần quảng bá cho áo dài ngũ thân nam…

Vào năm 2017, Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống ra đời, trở thành nơi tập hợp những người yêu mến trang phục truyền thống, đặc biệt là áo dài nam. Những người thành lập trung tâm đều hướng tới mục tiêu chung là định hướng thúc đẩy phong trào may và mặc áo dài nam truyền thống trong những dịp lễ tết, hội hè…

Đồng thời góp phần nâng cao tính ứng dụng trong đời sống đương đại, tăng cường các hoạt động hỗ trợ bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của trang phục Việt đặc biệt là chiếc áo dài ngũ thân.

Trên mạng xã hội Facebook của Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống luôn cập nhật những hình ảnh hoạt động mới nhất cùng chia sẻ của công chúng, nghệ nhân và cả bạn bè nước ngoài về áo dài ngũ thân…

Họa sỹ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình Làng Việt và Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống cho hay từ khi ra đời đến nay, Trung tâm đã liên tục tổ chức các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giúp công chúng thêm hiểu, trân trọng giá trị của trang phục dân tộc.

Trung tâm cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghệ nhân, người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm may theo truyền thống nhưng phù hợp với đời sống hiện đại.

Họa sỹ Nguyễn Đức Bình chia sẻ: “Trong thời gian quảng bá, vận động mặc áo dài nam, chúng tôi nhận thấy rằng, đàn ông Việt Nam hiện nay thích mặc áo dài ngũ thân truyền thống tăng theo độ tuổi. Những người 8x, 9x, 00 là thế hệ đam mê trở về truyền thống, đam mê mặc áo dài ngũ thân nam.

Có thể thế hệ này bị đứt đoạn với những sự kiện lịch sử cận hiện đại, họ không biết đến những nhânvật lý trưởng, cường hào, ác bá…vốn đóng đinh với áo dài. Họ lại tiếp cận nhiều với thế giới, do vậy họ vô cùng khao khát sự khẳng định bản sắc với thế giới xung quanh, chính vì lẽ đó khi mặc áo dài ngũ thân họ rất thích và đam mê...

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm từng nói: “Đi đến tận cùng truyền thống sẽ gặp hiện đại, đi đến tận cùng dân tộc sẽ gặp nhân loại.Với áo dài của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng câu nói đó vô cùng phù hợp."

Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiê-Huế được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai Đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam.”

Từ đây, Sở Văn hóa, Thể thao đã triển khai cho toàn thể cán bộ công chức của Sở mặc áo dài truyền thống khi đến công sở trong ngày đầu tuần mỗi tháng, đặc biệt nam giới sẽ mặc áo dài ngũ thân. Việc này cũng thu hút được sự chú ý của dư luận, thậm chí có những ý kiến trái chiều, chưa đồng tình. Sở cũng đã lường trước phản ứng dư luận nên luôn cầu thị và lắng nghe.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài vẫn luôn được coi là trang phục không thể thiếu của mỗi người dân xứ Huế. Nếu đối với nữ, áo dài là trang phục tôn vinh vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Huế, thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, tính sách của người đàn ông.

Bên cạnh đó, ái dài còn thể hiện những giá trị đặc sắc về đạo đức, thẩm mỹ, là di sản sống động, sản phẩm du lịch độc đáo của mảnh đất cố đô Huế cần được bảo vệ, phát huy giá trị trong đời sống đương đại…

Hiểu đúng về áo dài ngũ thân nam

Theo họa sỹ Nguyễn Đức Bình, tiền thân của áo dài ngày nay là áo ngũ thân tay chẽn (loại áo này nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm, như nữ cổ áo thấp hơn, ống tay hẹp và vạt ngắn hơn nam) được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ông chính là người đặt nền tàng cho hình hài của áo dài.

Tôn vinh giá trị văn hóa Việt: Đưa áo dài ngũ thân về bản sắc vốn có ảnh 2Quang cảnh lễ khai trương trưng bày áo dài ngũ thân truyền thống. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Áo dài ngũ thân ra đời trong bối cảnh nhà Nguyễn lấy tư tưởng Nho giáo làm chuẩn mực đạo đức xã hội, nên kiểu dáng trang phục này của nam, nữ đã phần nào đáp ứng được quan niệm thẩm mỹ của xã hội đương thời.

Áo dài ngũ thân đã khắc phục được nhược điểm của những trang phục trước đó, tiện lợi, gọn gàng, kín đáo khi mặc, mang đặc điểm riêng, khác với trang phục các quốc gia khác, phù hợp với khí hậu.

Đặc biệt, kiểu dáng áo khắc phục những nhược điểm cơ thể của đàn ông, phụ nữ Việt, tạo cho đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong. Qua hình ảnh người Pháp ghi lại giai đoạn trước 1945, trong đời sống thường nhật, lễ hội, đàn ông Việt luôn mặc áo dài, từ người già đến trẻ nhỏ.

Tuy vậy, do ảnh hưởng của văn minh phương Tây, phong trào Âu hóa lan rộng trong giới trí thức, tư sản, quan lại đến dân thường, dần dần trang phục áo dài của nam giới thay đổi, mờ nhạt trong đời sống, chỉ còn đọng lại ở trang phục của những người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng…

Vậy tại sao lại gọi là áo dài ngũ (năm) thân? Theo lý giải của nhiều nhà nghiên cứu là do ngày xưa khổ vải nhỏ, nên áo được ghép lại từ 5 vạt áo (thân). Áo ngũ thân được mặc kèm với quần màu trắng (lụa, là) hai ống, rộng chừng 25-29 cm tùy từng người; còn có khăn vấn, khăn đóng bằng chất liệu nhiễu hoặc là. Bên trong áo ngũ thân nam là một lớp áo lót trắng, cổ đứng, có may túi tiện dụng, tạo lớp nền sáng tôn vẻ đẹp cho chiếc áo dài ngũ thân mặc bên ngoài…

Theo thạc sỹ Đinh Hồng Cường, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống kiểu áo do chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt định là áo ngũ thân cổ đứng cài khuy, quần chân, áo chít. Áo dài ngũ thân che kín thân hình, không để hở áo lót mà chỉ điểm xuyết, lấp ló màu trắng ở cổ cáo, cổ tay và phần xẻ tà, làm tăng vẻ thanh nhã, sạch sẽ. Hai thân áo trước và sau (4 vạt) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu; 1 vạt con nằm trong vạt trước là thân thứ 5 tượng trưng cho người mặc áo...

Áo ngũ thân có 5 khuy, được các nhà nho trí thức liên tưởng tới ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) theo quen điểm Nho giáo và ngũ hành (thủy, hỏa, mộc, kim, thổ) theo quan điểm triết học phương Đông…Khăn vấn đầu sẽ theo kiểu chữ nhân hoặc chữ nhất, biểu tượng của tính người, lòng nhân, sự cương trực, nhất tâm được đặt lên hàng đầu…

Họa sỹ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình Làng Việt và Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống chia sẻ: Hiện nay, khi Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, giao lưu văn hóa trên toàn cầu ngày càng gia tăng thì việc khẳng định nét riêng biệt, độc đáo là cần thiết. Các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét sử dụng áo dài ngũ thân cho cả nam và nữ làm lễ phục nhà nước…

Nhưng họa sỹ Nguyễn Đức Bình cũng thẳng thắn cho rằng, việc bảo tồn, ứng dụng áo dài ngũ thân hiện gặp không ít cản trở. Trước hết là nhận thức của cộng đồng, chưa đầy đủ nên ngay cả người yêu văn hóa truyền thống cũng mặc áo dài nam chưa đúng, chưa đẹp.

Hiện nay nhiều loại trang phục được cho là áo dài cách tân thì khá xa rời bản sắc văn hóa Việt. Bên cạnh đó, giá thành bán ra áo dài ngũ thân truyền thống còn cao, khó tiếp cận người mặc ở tầng lớp bình dân, đối tượng học sinh, sinh viên.

Thêm vào đó, nguyên liệu may áo dài truyền thống chưa phù hợp về giá cả, khí hậu. Có nhiều loại nguyên liệu tốt nhưng giá thành lại quá cao. Đặc biệt, đội ngũ những người cắt may áo dài còn ít, việc sử dụng kỹ thuật thủ công còn ở mức cao trong chuỗi sản xuất, việc áp dụng công nghệ mới vào may, mặc áo dài ngũ thân còn hạn chế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục