Việc tham vấn về quy định kinh doanh bằng công cụ kỹ thuật số giúp các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ dễ dàng hơn trong việc tổng hợp, đánh giá các quy định, kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ, điều chỉnh các chính sách, quy định pháp luật đang tạo rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Thông báo số 252/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 29/6 (truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả tư vấn chính sách cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) cho thấy, việc tham vấn lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động khi ban hành thủ tục hành chính, quy định kinh doanh chưa được chú trọng.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính (Văn phòng Chính phủ) đã trao đổi với phóng viên TTXVN, làm rõ hơn về vai trò của việc tham vấn và cập nhật quy định kinh doanh trên Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh.
- Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh được đưa vào vận hành từ cuối năm 2021 có tác động như thế nào đến việc cải cách các quy định hiện hành cũng như xây dựng các văn bản mới, thưa ông?
Cục trưởng Ngô Hải Phan: Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 68/NQ-CP, với sự hỗ trợ của một số cơ quan quốc tế, trong đó có Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa - LinkSME), trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các nước và xuất phát từ sự cần thiết phải có một công cụ phục vụ hoạt động cải cách thể chế, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh.
[Kênh tương tác hai chiều giữa nhà nước với người dân và doanh nghiệp]
Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh là công cụ hỗ trợ hoạt động cải cách áp dụng giải pháp kỹ thuật số, giúp các cơ quan nhà nước có thể quản lý quy định hiện hành và dự kiến ban hành, không để "cắt" quy định này lại "mọc" quy định khác; cập nhật, công khai kết quả thống kê, rà soát, tính chi phí tuân thủ quy định kinh doanh; tạo kênh tương tác trực tuyến giữa các bộ, ngành với cộng đồng doanh nghiệp trong tham vấn chính sách, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, giúp cơ quan nhà nước quản lý, theo dõi quá trình xây dựng và thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh của từng bộ, ngành; theo dõi, đánh giá nỗ lực cải cách của các bộ, ngành theo thời gian thực, dựa trên dữ liệu; kịp thời xem xét, điều chỉnh chính sách cho phù hợp, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, cổng tham vấn này sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình cải cách. Cụ thể là tìm kiếm, tra cứu quy định kinh doanh; tham gia góp ý đối với quy định kinh doanh hiện hành, dự kiến ban hành, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh hoặc gửi vướng mắc, đề xuất cải cách quy định kinh doanh, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giải trình trong xây dựng, ban hành và thực thi chính sách, quy định trên Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh.
- Ông có thể cho biết kết quả tham vấn, cập nhật các quy định kinh doanh trên Cổng đến nay và ý kiến của ông về sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đối với các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định?
Cục trưởng Ngô Hải Phan: Tham vấn là một trong những chức năng quan trọng của Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh, thiết lập kênh tương tác hai chiều giữa các bộ, ngành với các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân.
Thông qua chức năng này, các bộ, ngành có thể gửi lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân về quy định kinh doanh đang có hiệu lực thi hành, quy định kinh doanh dự kiến ban hành trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh trên Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân được cấp tài khoản trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia có thể đăng nhập vào Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh để gửi ý kiến góp ý về quy định kinh doanh hoặc gửi vướng mắc, đề xuất cải cách quy định kinh doanh đến các bộ, cơ quan.
Các bộ, cơ quan nhà nước có trách nhiệm phản hồi, xử lý đối với vướng mắc, đề xuất của tổ chức, cá nhân về chính sách, quy định kinh doanh.
Việc tham vấn bằng công cụ kỹ thuật số sẽ hỗ trợ các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ dễ dàng hơn trong việc tổng hợp, đánh giá các quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý và kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ, điều chỉnh các chính sách, quy định pháp luật đang tạo rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Vì sao hiện nay trên Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh ít cập nhật những quy định mới hoặc chuẩn bị được ban hành, phải chăng do các bộ, ngành chưa chú trọng việc này, thưa ông?
Cục trưởng Ngô Hải Phan: Các quy định kinh doanh mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và các quy định dự kiến ban hành trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ít được các bộ cập nhật lên Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh vì hiện nay, chúng tôi đang chưa có hành lang pháp lý bảo đảm thực hiện việc này.
Chắc chắn sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh thì việc chậm trễ trên sẽ được hạn chế, khắc phục.
Khi đó, các bộ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cập nhật đầy đủ, chính xác và công khai kịp thời quy định kinh doanh, đây là yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ.
- Được biết Văn phòng Chính phủ đang nâng cấp Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh. Việc nâng cấp này được thực hiện theo hướng nào và có tác dụng gì, thưa ông? Hiệp hội, doanh nghiệp, người dân cần làm gì để có thể gửi vướng mắc, đề xuất hay góp ý đối với quy định kinh doanh?
Cục trưởng Ngô Hải Phan: Văn phòng Chính phủ thực hiện nâng cấp Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dùng.
Hiện nay, tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản đã đăng ký theo Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ Công Quốc gia để đăng nhập, xác thực tài khoản trên Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh.
Cụ thể, đối với tài khoản của cá nhân, đăng ký thông qua thuê bao di động chính chủ, mã số bảo hiểm xã hội, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân đăng ký tại ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam, thiết bị lưu khóa bí mật hoặc các hình thức hợp pháp khác.
Đối với tài khoản của tổ chức, đăng ký thông qua thiết bị lưu khóa bí mật hoặc các hình thức hợp pháp khác.
Về nhiệm vụ phân quyền tài khoản, Văn phòng Chính phủ thực hiện phân quyền cho quản trị cấp bộ, cơ quan, cấp tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quyết định người có thẩm quyền quản trị cấp bộ, cơ quan để quản lý thông tin tài khoản và thực hiện phân quyền tài khoản cho người dùng của bộ, cơ quan mình.
Đối với hiệp hội doanh nghiệp, để gửi ý kiến góp ý hoặc gửi vướng mắc, đề xuất trên Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh, cần đăng ký tài khoản đại diện hiệp hội là tài khoản công dân trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn.
Sau đó, gửi thông tin tài khoản đăng ký (bao gồm tên hiệp hội, địa chỉ; họ và tên đầu mối, số điện thoại, thư điện tử, số căn cước công dân đã đăng ký tài khoản, cơ quan chủ quản; họ và tên người đứng đầu) về Văn phòng Chính phủ để kích hoạt thông tin đăng ký.
Để đăng tải vướng mắc, đề xuất hoặc gửi ý kiến góp ý, các hiệp hội truy cập vào Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh tại địa chỉ https://thamvanquydinh.gov.vn và đăng nhập bằng tài khoản đã đăng ký.
Các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội có thể đăng ký tài khoản doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia để gửi vướng mắc, đề xuất hoặc ý kiến góp ý đối với quy định kinh doanh lên Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh.
Mọi cá nhân đã đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia đều có thể truy cập vào Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh để gửi vướng mắc, đề xuất hoặc tham gia góp ý đối với quy định kinh doanh trên Cổng Tham vấn và Tra cứu Quy định Kinh doanh.
- Trân trọng cảm ơn ông!