Tái hiện không gian văn hóa tại Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Gần 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh đã được trưng bày qua “Không gian dệt lụa” tại Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc, quận Hà Đông, nhân 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến.
Tái hiện không gian văn hóa tại Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 1Cắt băng khai mạc trưng bày Không gian dệt lụa. (Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN)

Ngày 17/12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ dâng hương và khai mạc trưng bày “Không gian dệt lụa” tại Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 tại Vạn Phúc, quận Hà Đông, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/2021-19/12/2021).

Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 tại Vạn Phúc, quận Hà Đông, là một trong 14 địa điểm thuộc hệ thống Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỷ của dân tộc. Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1975.

Cuối năm 1946, trước tình hình thực dân Pháp liên tục gây hấn, chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai, để chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương tại Vạn Phúc, quận Hà Đông, từ ngày 3/12 đến ngày 19/12/1946.

Trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, thống nhất phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tại ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” và được Hội nghị thông qua 19/12/1946. Lời kêu gọi đã được Đài Tiếng nói Việt Nam phát vào sáng sớm 20/12/1946, đánh dấu chính thức thời điểm Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

[75 năm toàn quốc kháng chiến: Lời thề quyết tử - Lời hịch non sông]

Bằng thủ pháp trưng bày hiện đại, thiết kế mỹ thuật độc đáo, với nhiều điểm nhấn cảm xúc, trưng bày giới thiệu tới công chúng gần 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, trình bày qua 2 nội dung chính.

Đó là “Không gian dệt lụa” của gia đình ông Nguyễn Văn Dương, gắn với lịch sử về làng lụa Vạn Phúc với các công cụ của nghề dệt như: Con tằm, kén tơ, guồng tơ, suốt, thoi, khung dệt, công đoạn se tơ, quay tơ.

"Không gian dệt lụa” giúp khách tham quan quay ngược lại thời gian năm 1946 và trải nghiệm một nghề truyền thống của làng lụa Vạn Phúc tại ngay chính gia đình cách mạng yêu nước, góp phần cung cấp thêm thông tin về nghề dệt lụa truyền thống của gia đình ông Nguyễn Văn Dương.

Tái hiện không gian văn hóa tại Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 2Trưng bày Không gian dệt lụa tại di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 tại Vạn Phúc. (Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN)

Bên cạnh, nội dung trưng bày còn phục dụng căn phòng đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ ở và làm việc năm 1938 tại căn gác xép cổng, thông với dãy nhà ngang - phòng dệt lụa của di tích. Tại đây còn trưng bày các tờ báo được đồng chí Hoàng Quốc Việt chuyển cho những người thợ dệt của gia đình ông Nguyễn Văn Dương đọc, để giác ngộ tinh thần cách mạng cho họ.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tạo ra một không gian trưng bày hiện đại, khoa học, phù hợp với công tác giáo dục, tuyên truyền, phát huy giá trị tại di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Di tích đã được thành phố Hà Nội đầu tư tu bổ, mở rộng khuôn viên di tích, phục dụng các hạng mục công trình gồm nhà 5 gian, xây mới nhà làm việc, cổng, tường rào, sân vườn… nhằm tạo không gian thuận lợi cho khách tham quan, học tập và nghiên cứu. Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục