Tại sao "sứ mệnh cốt lõi" của Facebook khó thực thi ở Trung Quốc?

Theo The Diplomat, việc Facebook không xâm nhập được vào Trung Quốc không phải chỉ vì sự kiểm duyệt không gian mạng của Bắc Kinh mà còn rất nhiều chính sách khác chống lại nhà mạng này.
Tại sao "sứ mệnh cốt lõi" của Facebook khó thực thi ở Trung Quốc? ảnh 1Biểu tượng Facebook. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tạp chí The Diplomat số ra gần đây có bài viết nhấn mạnh rằng việc Facebook không xâm nhập được vào Trung Quốc không phải chỉ bởi sự kiểm duyệt không gian mạng của Bắc Kinh mà còn bởi rất nhiều chính sách khác nhau chống lại nhà mạng xã hội này.

Tháng Bảy vừa qua, Facebook đã phải nhanh chóng rút chi nhánh đang chờ cấp phép tại tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, với tên gọi "Trung tâm sáng tạo mới." Đây không phải là lần đầu tiên Facebook cố gắng để có một "miếng bánh" tại Trung Quốc.

Năm 2017, gã khổng lồ này đã lặng lẽ phát hành một ứng dụng chia sẻ hình ảnh phiên bản tiếng Trung mang tên "Colorful Balloons," giúp người dùng chia sẻ hình ảnh và các chức năng trong ứng dụng "Moments."

Ứng dụng này cũng đã xuất hiện trên kho của Apple, song không thu hút được nhiều sự chú ý của người dùng và đã sớm phải gỡ bỏ bởi không được sự chấp thuận của Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC).

Mặc dù Facebook đã từ chối bình luận về vấn đề này, song có một số bài báo cho rằng ứng dụng Colorful Balloons là nỗ lực đầu tiên của của nhà mạng xã hội này nhằm thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Mặc dù có thông tin cho rằng Facebook vẫn đang cố gắng thâm nhập thị trường Trung Quốc song cũng sẽ rất khó để tồn tại.

Lý do đầu tiên là Facebook có thể dễ dàng bị thay thế bởi một mạng xã hội khác. Thực tế cho thấy các ứng dụng phổ biến, hữu ích của Trung Quốc bao gồm ứng dụng dịch vụ WeChat - đối với đa số người dùng Trung Quốc ứng dụng này không chỉ là một nền tảng gửi, nhận, chia sẻ thông tin, mà còn được sử dụng như "ví điện tử."

[Facebook bắt đầu tiến hành chấm điểm xếp hạng người dùng]

Wechat giống như một sự pha trộn giữa dịch vụ tin nhắn, mạng xã hội và thanh toán trực tuyến. Có thể nói, một người bình thường ở Trung Quốc sẽ không thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu ứng dụng WeChat.

Chính những cải tiến của WeChat - đặc biệt là các tiện ích đa dạng - đã khiến Facebook trở thành một ứng dụng sơ sài ở thị trường đông dân nhất thế giới này. Tuy nhiên, WeChat cũng có vấn đề của mình là "bị kiểm duyệt."

Tất cả các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến ở Trung Quốc đều bị kiểm duyệt và tuyệt đối không được có nội dung chính trị mang tính "nhạy cảm." Tuy nhiên, người dùng Trung Quốc có vẻ khá thờ ơ với điều này nên Facebook đã không có lợi thế so sánh cả về "tính mở" và "tự do thông tin."

Thứ hai, chính sách hiện tại đối với các công ty Internet nước ngoài của Trung Quốc cũng là một trở ngại không nhỏ.

Chính phủ Trung Quốc công khai chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho các công ty công nghệ trong nước, trong khi các công ty công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế bởi nhiều chính sách liên quan (như bắt buộc chuyển giao công nghệ, phải lập mô hình liên doanh với pháp nhân trong nước...).

Giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc là tìm một đối tác địa phương, trao cho đối tác này một lượng lớn cổ phần và quyền thực hiện chức năng giám sát.

Năm 2016, hãng vận tải công nghệ Uber đã phải từ bỏ thị trường Trung Quốc và bán lại cổ phần cho một đối thủ của nước sở tại sau khi đã bỏ ra một lượng tiền lớn đầu tư phát triển kinh doanh tại quốc gia này. Facebook có thể cũng sẽ lặp lại vết xe đổ đó của Uber.

Ngoài ra, Facebook còn gặp khó khăn hơn trong việc tìm đối tác địa phương, nhất là khi thị trường dịch vụ mạng xã hội ở Trung Quốc đã bị bão hòa. Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường các quy định quản lý Internet.

Người Trung Quốc muốn truy cập Facebook phải sử dụng một công cụ là "Mạng riêng ảo" (VPN). Tuy nhiên, một số ứng dụng tạo VPN cũng đã bị xóa khỏi các kho ứng dụng hoặc bị chặn từ năm 2017, thời điểm Luật an ninh mạng mới của Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo cập nhật tường lửa để kiểm soát chặt chẽ hơn nội dung và ứng dụng trên Internet. Vì vậy, ngay cả khi Trung tâm sáng tạo mới của Facebook được cấp phép hoạt động tại tỉnh Chiết Giang, nhà mạng xã hội này cũng sẽ không thể vận hành nền tảng chính của mình tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, những chính sách kiểm soát Internet tiếp tục ngăn chặn Facebook thay đổi hoạt động của trung tâm này.

Cuối cùng, một vấn đề quan trọng là giới chức Trung Quốc ngày càng quan ngại về vấn đề an ninh mạng. Mối quan ngại này gia tăng đáng kể sau vụ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ về chương trình gián điệp mạng không lồ của Mỹ có tên gọi "PRISM."

Tại sao "sứ mệnh cốt lõi" của Facebook khó thực thi ở Trung Quốc? ảnh 2(Nguồn: BBC)

Ngay sau đó, Trung Quốc đã củng cố các hệ thống phòng thủ trên mạng như một phần trong kế hoạch an ninh quốc gia. Bắc Kinh cũng loại bỏ một số công ty công nghệ Mỹ ra khỏi danh mục mua sắm cấp nhà nước.

Tháng Tư vừa qua, Facebook đã thừa nhận sai lầm trong việc cho phép Cambridge Analytica - một công ty tham gia vào chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump - được tiếp cận dữ liệu dẫn tới rò rỉ thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng, khiến niềm tin của người dùng đối với nhà mạng xã hội này bị khủng hoảng nghiêm trọng.

Vì vậy, do lo ngại Facebook có thể trở thành "phương tiện xâm nhập không gian mạng" nên chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục loại nhà mạng xã hội này ra khỏi thị trường nội địa.

Theo tiết lộ của một cựu nhân viên Facebook, doanh nghiệp này đã bí mật phát triển một công cụ kiểm duyệt với hy vọng có được sự hỗ trợ từ cơ quan giám sát Internet của Trung Quốc.

Trước đây, Facebook đã từng giúp chặn những nội dung chính trị nhạy cảm tại các quốc gia như Nga, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, để được hoạt động tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp này có thể phải chặn các nội dung "nhạy cảm" ngay từ nguồn đăng tải.

Mặc dù "công cụ kiểm duyệt" này nghe có vẻ rất hấp dẫn đối với các quan chức Trung Quốc song cũng không làm thay đổi thực tế rằng sự hiện diện của Facebook ở Trung Quốc sẽ đặt ra một câu hỏi chính trị mang tính quyết định là: Bắc Kinh có giảm kiểm soát và giám sát Internet? Câu trả lời sẽ là: Không.

Một báo cáo mới công bố của Viện toàn cầu McKinsey, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 42% thị trường thương mại điện tử toàn cầu và điều này đã giúp nước này trở thành địa điểm ngày càng quan trọng đối với các công ty công nghệ như Facebook.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty trong nước được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ và các quy định nghiêm ngặt về kiểm soát không gian mạng lại đang là rào cản lớn đối với Facebook.

Facebook từ lâu đã khẳng định sứ mệnh cốt lõi là "làm cho thế giới cởi mở và kết nối hơn." Tuy nhiên, dường như Facebook sẽ không thể thực hiện được sứ mệnh cao cả đó tại Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục