Những tranh cãi về tuổi tác của Công Phượng vẫn đang hâm nóng các diễn đàn không chỉ về bóng đá. Mà cầu thủ "trẻ" của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG cũng không phải là trường hợp đầu tiên dính tới nghi án này. Nên có thể nói, từ lâu nay, vấn đề gian lận tuổi tác đã luôn là vấn nạn của bóng đá Việt Nam. Trên thế giới, đó cũng là một chủ đề lớn, chủ yếu xảy ra ở những nền bóng đá kém phát triển.
Theo BBC, mới đây nhất, làng bóng đá thế giới xôn xao khi câu lạc bộ Lazio của Italy đe dọa sẽ có hành động pháp lý đối với những người nghi ngờ về năm sinh của cầu thủ người Cameroon Joseph Minala, 17 tuổi.
Câu lạc bộ đang chơi tại Serie A đã phủ nhận những tuyên bố cho rằng cầu thủ này đã 41 tuổi, và cho biết giấy khai sinh của Minala là “hoàn toàn hợp pháp.”
Không chỉ riêng gì Lazio, nhiều đội tuyển trẻ châu Phi cũng bị nghi ngờ sử dụng cầu thủ quá tuổi, điển hình như những vụ bê bối ở Nigeria, Ghana và Kenya.
Cựu tuyển thủ Nigeria Jonathan Akpoborie, 45 tuổi, cho biết gian lận tuổi là một vấn đề tràn lan ở làng bóng đá châu Phi. Trong tháng 4 năm 2013, 9 cầu thủ đã bị loại khỏi giải vô địch U17 châu Phi tại Maroc sau khi thực hiện việc đo xương cổ tay.
Congo, Cote d'Ivoire và Nigeria, mỗi nước có ba cầu thủ bị cấm thi đấu. Cũng trong năm 2013, một số cầu thủ chủ chốt của Nigeria dự kiến tham gia giải FIFA U17 World Cup vào tháng 10 cũng đã bị cấm thi đấu vì lý do này, còn Somalia thì bị loại hoàn toàn khỏi giải vì đưa cầu thủ quá tuổi vào sân thi đấu.
Vấn đề không chỉ có ở bóng đá châu Phi. Brazil cũng đã từng vô địch giải World Youth Cup 2003 dành cho cầu thủ dưới 20 tuổi, mặc dù trong đội có một cầu thủ 25 tuổi, và sự thật chỉ được phát hiện 3 năm sau khi giải kết thúc.
Một trường hợp khác là vào tháng 11/2012, Australia và Saudi Arabia đã nộp đơn khiếu nại chính thức, nghi ngờ rằng đội U19 Syria tham gia giải vô địch châu Á có mặt các cầu thủ quá tuổi.
Akpoborie cho biết: “Tôi chắc chắn rằng vấn đề không chỉ tồn tại ở châu Phi. Có thể những trường hợp của bóng đá châu Phi là dễ bị bỏ qua nhất, còn những nơi khác thì không dễ như vậy.”
Nhà báo bóng đá châu Phi Oluwashina Okeleji cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do tham vọng cá nhân, áp lực thành công và sự lỏng lẻo trong quản lý tuổi của các cầu thủ. “Việc ra nước ngoài thi đấu là rất khó khăn đối với các cầu thủ trẻ, và họ chỉ được chú ý tới khi đã quá già, vì thế họ phải giảm tuổi của mình xuống, có thể khoảng 10 năm,” ông cho biết.
Ngoài ra, áp lực được đặt lên lứa tuổi U17 và U20 là rất lớn, khiến các huấn luyện viên bắt buộc phải sử dụng cầu thủ quá tuổi. Ben Koufie, cựu chủ tịch liên đoàn bóng đá Ghana cho biết, nhiều cầu thủ Ghana tham dự World Cup U17 năm 1991 còn không biết tuổi thật của mình. Các văn bản pháp luật để xác định tuổi tại các nước châu Phi còn thiếu, và đây cũng là một nguyên nhân cho tình trạng gian lận tuổi.
Năm 2009, FIFA đã bắt đầu sử dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) để đo xương cổ tay tại giải World Cup U17 ở Nigeria để xác định tuổi thật của các cầu thủ. Từ đó trở đi, tình trạng gian lận đã giảm hẳn. Nhà báo Okeleji cho biết: "Trường hợp của cậu thanh niên Cameroon ở Lazio đã bị thổi phồng. Lazio sẽ không ký hợp đồng với Minala nếu chưa thực hiện quét MRI để xác định tuổi thật."
Akpoborie cho rằng vẫn còn nhiều thiếu sót cần được khắc phục. Ông đánh giá cao việc áp dụng kỹ thuật quét MRI cũng như những nỗ lực của chính phủ các nước. "Đây là một vấn đề phức tạp, và nếu không hợp sức lại, chúng ta sẽ không thể giải quyết được nó."/.