Ngày 11/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chiến lược phát triển nhà ở; trong đó việc phát triển các khu chung cư, tạo nên quy mô mới về nhà ở, đáp ứng được nhu cầu cao về nhà ở của người dân.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chú ý, chủ động quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về căn bản, việc quản lý, sử dụng nhà chung cư từng bước đi vào nề nếp, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cải thiện điều kiện ở và tạo được môi trường sinh sống cho người dân văn minh hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.
Tuy nhiên, thời gian qua cũng xảy ra một số tranh chấp khiếu nại giữa người dân và chủ đầu tư, người dân và ban quản trị, ban quản trị và chủ đầu tư….
Những tranh chấp chủ yếu diễn ra trong việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành; xác định diện tích sử hữu chung riêng; quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì; phòng cháy chữa cháy chung cư…
Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đã có tổng hợp, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình tranh chấp chung cư diễn ra trên địa bàn cả nước.
Ngày 9/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29 về tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Tại hội nghị, Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành, hiệp hội, một số địa phương trao đổi, làm rõ những vấn đề đang đặt ra đối với việc quản lý, sử dụng nhà chung cư. Đặc biệt là trách nhiệm của các địa phương có quy mô lớn nhà chung cư và xảy ra nhiều tranh chấp...
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhà chung cư là xu hướng phát triển tất yếu của các đô thị ở Việt Nam và trên thế giới.
[Cải tạo chung cư cũ, xuống cấp nguy hiểm: Chậm là vì đâu?]
Chiến lược phát triển nhà ở mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 quy định ở các thành phố lớn, đô thị, đặc biệt ở các đô thị cấp 1, tỷ lệ nhà chung cư phải chiếm 80%. Việc quản lý, vận hành nhà chung cư là vấn đề hết sức cấp bách cũng như lâu dài.
Theo ông Nam, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1.200 chung cư, Hà Nội cũng gần 800 chung cư. Cộng dồn số liệu trên toàn quốc thì có khoảng 3.000 chung cư cao tầng.
Hiện nay đang có 108 nhà chung cư có tranh chấp, tỷ lệ khoảng 3%. Tuy nhiên, con số này ảnh hưởng đến trật tự an ninh của xã hội cũng như quyền lợi của người dân và chủ đầu tư. Tranh chấp ở chung cư không chỉ ở riêng Việt Nam mà các nước khác như Trung Quốc, Australia… cũng xảy ra.
Xã hội cũng như thị trường phát triển rất nhanh đòi hỏi hệ thống luật pháp phải đáp ứng như loại hình Condotel (căn hộ khách sạn) ra đời nhưng nội dung đó chưa có trong luật nên cũng đang gây vướng mắc, ông Nam dẫn chứng.
Bởi vậy, khung luật pháp gồm có luật, nghị định, thông tư, quy chuẩn cần đầy đủ, bao quát hết. Việc bổ sung, sửa đổi thông tư, quy chuẩn hiện nay rất cần thiết, nhưng phải nặng về chế tài quy trách nhiệm hơn. Cụ thể như quy trách nhiệm cho người vi phạm, kể cả chính quyền địa phương, Ủy ban Nhân dân các cấp - đơn vị trực tiếp xử lý và có quyền xử lý những vấn đề này…
Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương có nhiều vụ tranh chấp chung cư phải giải quyết dứt điểm; tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp với các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra đôn đốc thực hiện; tăng cường chế tài xử phạt với những vi phạm.
Hiện Bộ đang xây dựng kế hoạch và chương trình hành động; trong đó phân công rất rõ những nhiệm vụ mà Chỉ thị của Thủ tướng đã nêu để sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật./.