Tạo điều kiện các doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái nội dung số

Bất lợi về sản phẩm sẽ khiến các doanh nghiệp đánh mất người sử dụng, đó là các platform như Youtube, Facebook xâm lấn mạnh sang lãnh địa cuối cùng của Việt Nam là nội dung.
Tạo điều kiện các doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái nội dung số ảnh 1Một số ý kiến yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới như Google, Facebook tuân thủ pháp luật bản địa; Phạt, đánh thuế như Anh, EU; bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài/xuyên biên giới phải dùng các cổng cổng thanh toán nội địa. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Ngày 7/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức buổi giao ban công tác truyền thông xã hội lần thứ 7 năm 2017. Hội nghị này nhằm giúp cho mối liên hệ giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước được tăng cường, giúp và định hướng thông tin cho các doanh nghiệp đang có trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội...

Tại cuộc giao ban, Ông Nguyễn Thế Tân, đại diện VCCorp chia sẻ tín hiệu vui về doanh thu quảng cáo sẽ tăng trong quý 3, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các biện pháp mạnh tay với doanh nghiệp xuyên biên giới như Youtube. Các mảng liên quan đến Google GDN và Facebook thì chưa quan sát được tác động về kinh doanh.

Tuy nhiên, bất lợi về sản phẩm sẽ khiến các doanh nghiệp đánh mất người sử dụng, đó là các platform như Youtube, Facebook xâm lấn mạnh sang lãnh địa cuối cùng của Việt Nam là nội dung. Nguy cơ toàn bộ hệ sinh thái nội dung số bị "tiêu diệt" hoặc biến thành người làm thuê cho các platform nước ngoài và các hệ thống của Việt Nam hầu như bị "trói tay" không thể phát triển, và xa hơn nữa sẽ mất chủ quyền thông tin.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Thế Tân, Bộ Thông tin và Truyền thông nên kiến nghị với Chính phủ coi hệ sinh thái nội dung số là một ngành trọng điểm cần được quan tâm, hỗ trợ: phát triển hệ sinh thái nội dung số cũng là để bảo vệ chủ quyền thông tin của Việt Nam, đồng thời cũng tạo ra các cơ hội kinh tế cho Việt Nam với một triệu việc làm, cũng như các cơ hội xuất khẩu nội dung khác.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các doanh nghiệp xây dựng đề án phát triển nội dung số Việt Nam và tổ chức các hội thảo, hội nghị về tầm quan trọng nội dung số của Việt Nam.|

Ông Nguyễn Thế Tân cũng đề xuất các doanh nghiệp chỉ cần tháo gỡ cơ chế, không cần tiền của Nhà nước; triển khai các đề án thử nghiệm để giảm bớt các vướng mắc với quy định cũ. Về lâu dài gỡ bỏ điều cấm nhiều dịch vụ trên một website, cho phép một website có nhiều dịch vụ, rà soát điều chỉnh các quy định không còn phù hợp và ban hành các văn bản tạm thời để điều chỉnh các quy định không còn phù hợp với thực tế.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình với quan điểm này, theo đó Bộ nên kiến nghị Chính phủ các giải pháp ngăn chặn xâm nhập toàn phần hay một phần như một số nước Trung Quốc, Nga, Trung Đông; yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới như Google, Facebook tuân thủ pháp luật bản địa; Phạt, đánh thuế như Anh, EU; bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài/xuyên biên giới phải dùng các cổng cổng thanh toán nội địa.

Ông Nhan Thế Luân, đại diện Nhaccuatui cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phải xử phạt hoặc mạnh tay với các doanh nghiệp xuyên biên giới như Google, Facebook để tạo ra sự bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam được kinh doanh công bằng hơn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao hoạt động tích cực của các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, đã góp phần vào việc truyền tải kịp thời thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tình hình chính trị, kinh tế xã hội trong và ngoài nước tới cộng đồng người sử dụng Internet, giúp môi trường thông tin trở nên đa dạng, nhiều chiều, góp phần thay đổi cách tiếp nhận và cung cấp thông tin của nhiều tổ chức cá nhân. Đây cũng là lĩnh vực có khá nhiều cá nhân, tổ chức khởi nghiệp thành công, vươn tầm ra thế giới, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

“Bên cạnh những mặt mạnh, truyền thông xã hội vẫn tồn tại hạn chế, một phần do doanh nghiệp chủ quan chỉ dựa trên hệ thống quản lý tự động, một phần do các doanh nghiệp còn chạy theo câu view quảng cáo nên chưa chú trọng bố trí kiểm duyệt bằng nhân sự nên vẫn để xảy ra tình trạng đưa tin tiêu cực dày đặc, tạo thành bức tranh xã hội u ám. Nhiều thông tin bôi nhọ đời tư cá nhân, thông tin vi phạm bản quyền vẫn còn khá phổ biến trên nhiều trang tin và mạng xã hội, gây bức xúc cho xã hội,” Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu Vụ pháp chế, Thanh tra Bộ, Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử tham mưu đề xuất doanh nghiệp thí điểm, ra soát lại các văn bản cần chỉnh sửa để tạo điều kiện  hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, từng bước xây dựng đề án hệ sinh thái nội dung số phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng Việt Nam, từng bước nâng cao cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục