Tây Ban Nha cảnh báo đáp trả nếu Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập

Chính phủ Tây Ban Nha sẽ áp đặt nhiều biện pháp nếu vùng Catalonia ở Đông Bắc Tây Ban Nha đơn phương tuyên bố độc lập.
Tây Ban Nha cảnh báo đáp trả nếu Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập ảnh 1Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont phát biểu tại Barcelona ngày 20/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Tây Ban Nha sẽ áp đặt nhiều biện pháp nếu vùng Catalonia ở Đông Bắc Tây Ban Nha đơn phương tuyên bố độc lập.

Phát biểu ngày 9/10, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria nhấn mạnh nếu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont đơn phương tuyên bố độc lập cho vùng tự trị này, Chính phủ Tây Ban Nha sẵn sàng "đáp trả," nhưng đồng thời sẽ cố gắng giảm thiểu các tác động tiêu cực đến người.

Trong khi đó, Thủ hiến Puigdemont tiếp tục vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của chính giới Tây Ban Nha và châu Âu về hành động bất hợp pháp của chính quyền vùng tự trị Catalonia.

Ngày 9/10, Thị trưởng thành phố Barcelona Ada Colau cùng ngày đã hối thúc nhà lãnh đạo vùng Catalonia không đơn phương tuyên bố độc lập, cảnh báo rằng hành động này sẽ gây ra nguy cơ cho “sự gắn kết trong xã hội.”

Bà nhấn mạnh kết quả của cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp về độc lập của vùng Catalonia hôm 1/10 “không thể là một lời xác nhận nhằm khẳng định độc lập, nhưng nó góp phần vào khả năng mở ra một cuộc đối thoại và hòa giải quốc tế."

[Ba kịch bản phản ứng của Tây Ban Nha nếu Catalonia tuyên bố độc lập]

Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau khẳng định Paris sẽ không công nhận quy chế độc lập của vùng tự trị Catalonia.

Bà nhấn mạnh tương lai của Catalonia không thể được định đoạt thông qua một cuộc bỏ phiếu trái phép do một phong trào độc lập tổ chức.

Theo bà, tình hình hiện nay tại Tây Ban Nha cần được giải quyết thông qua đối thoại tại tất cả tất cả các cấp chính quyền.

Bà cảnh báo một khi Catalonia cố tình tuyên bố độc lập, đi ngược Hiến pháp Tây Ban Nha, vùng tự trị này ngay lập tức buộc phải rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và đây được xem là hậu quả trực tiếp đầu tiên mà vùng tự trị này phải gánh chịu.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Mariano Rajoy, khẳng định ủng hộ tuyệt đối sự toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha và đối thoại nội bộ trong khuôn khổ Hiến pháp Tây Ban Nha.

Dự kiến, trong ngày 10/10, Thủ hiến Catalonia Puigdemont sẽ có bài phát biểu với các nhà lập pháp vùng này và những người ủng hộ Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha hy vọng chính khách này sẽ tuyên bố độc lập đơn phương.

Trước đó, hôm 1/10 vừa qua, bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo vùng Catalonia đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi tách ra khỏi Tây Ban Nha, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Tòa án Hiến pháp khẳng định cuộc trưng cầu ý dân này là hành động vi hiến, đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của EU.

Nhà Vua Tây Ban Nha Felipe VI khẳng định cuộc trưng cầu nói trên là "trái phép và phi dân chủ," đồng thời cảnh báo "hành động vô trách nhiệm của lãnh đạo vùng Catalonia có thể gây nguy hại tới sự ổn định kinh tế và xã hội của vùng này cũng như của toàn Tây Ban Nha." EU cũng phản đối mạnh mẽ cuộc trưng cầu ý dân của vùng Catalonia ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục