Ba kịch bản phản ứng của Tây Ban Nha nếu Catalonia tuyên bố độc lập

Trong bối cảnh các lãnh đạo theo chính sách ly khai của vùng Catalonia cân nhắc việc tuyên bố độc lập, giới chuyên gia đã vạch ra các kịch bản mà chính quyền trung ương có thể đưa ra.
Ba kịch bản phản ứng của Tây Ban Nha nếu Catalonia tuyên bố độc lập ảnh 1Người dân xứ Catalonia. (Nguồn: Getty Images)

Theo CNBC, trong bối cảnh các lãnh đạo theo chính sách ly khai của vùng Catalonia cân nhắc việc tuyên bố độc lập cho khu vực tự trị này, giới chuyên gia đã vạch ra các kịch bản mà chính quyền trung ương có thể đưa ra khi căng thẳng trong khu vực gia tăng.

1. Kích hoạt điều khoản 155 Hiến pháp Tây Ban Nha

Kích hoạt điều 155, điều chưa từng được làm trước đây, sẽ cho phép chính quyền trung ương tại Madrid tước đi một phần hoặc toàn bộ quyền tự trị của Catalonia. Điều khoản này có thể được kích hoạt nếu một cộng đồng tự trị không tuân thủ luật lệ được quy định trong Hiến pháp hoặc hành động “theo cách làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích tổng thể của Tây Ban Nha."

Sẽ mất vài ngày để tiến trình này xảy ra vì Thủ tướng Mariano Rajoy sẽ phải chính thức thông báo cho Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont và chính quyền vùng này, sau đó đưa vấn đề này ra bỏ phiếu tại Thượng viện nếu ông Puigdemont phản đối động thái này. Do đảng của ông Rajoy chiếm đa số ghế trong Thượng viện nên điều khoản 155 sẽ nhiều khả năng được thông qua.

[Cảnh sát trưởng vùng Catalonia bị điều tra với cáo buộc nổi loạn]

Bà Marina Diaz Cristobal, Giáo sư lịch sử và khoa học chính trị tại Barcelona, cho rằng một khi điều 155 được kích hoạt, toàn bộ Nghị viện Catalonia với 135 thành viên sẽ bị giải tán và sẽ phải tiến hành các cuộc bầu cử khu vực mới trong vòng 2 tháng sau đó. Theo bà, các thành viên của nghị viện hiện tại có thể ra tranh cử một lần nữa nếu họ không vướng vào các hoạt động bất hợp pháp. Và không có gì ngăn cản việc người dân Catalonia lựa chọn một nhân vật ủng hộ ly khai khác lên làm Thủ hiến vùng này.


2. Thiết quân luật hoặc tình trạng khẩn cấp

Bà Cristobal nhận định chính quyền Tây Ban Nha có thể sử dụng biện pháp quân sự nhằm kiểm soát trực tiếp vùng Catalonia. Tuy nhiên, khả năng này là rất nhỏ, nhất là sau khi cảnh sát sử dụng bạo lực đối với người dân Catalonia trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập hồi tuần trước. Nếu chính quyền trung ương tuyên bố tình trạng khẩn cấp, thì họ có thể tiến hành các hoạt động không nằm trong khuôn khổ Hiến pháp nhằm giành lại quyền kiểm soát vùng Catalonia. Tương tự như thiết quân luật, chính quyền sẽ nhiều khả năng phải huy động cảnh sát quốc gia để thực thi quyết định này.

3. Đàm phán

Thủ tướng Rajoy đã bày tỏ lập trường rõ ràng rằng ông sẽ không thảo luận về cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp, dấu hiệu cho thấy đàm phán với chính quyền Catalonia không phải là phương án khả thi. Theo chuyên gia Cristobal, hai bên có thể chấp nhận vai trò hòa giải của một bên thứ ba, từ đó một mối quan hệ mới giữa Catalonia và Tây Ban Nha có thể được thiết lập thông qua một sự thay đổi hiến pháp.

Với việc không một nước nào ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, tuyên bố độc lập của Thủ hiến Catalonia Puigdemont sẽ chỉ mang giá trị biểu tượng. Tuy nhiên, chính quyền Tây Ban Nha sẽ buộc phải phản ứng đối với tuyên bố này nhằm giải quyết cuộc tranh cãi dai dẳng.

Dự kiến, ông Puigdemont sẽ có bài phát biểu trước nghị viện khu vực vào tối 10/10, và hiện vẫn chưa rõ liệu ông có tiếp tục đưa ra tuyên bố độc lập hay không, nhất là sau khi các nước bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự thống nhất của Tây Ban Nha./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục