Chiều 7/6, ông Thành Từ Dũ, Bí thư Huyện ủy Tân Biên, tỉnh Tây Ninh xác nhận trên địa bàn huyện xảy ra một vụ ngộ độc nấm rừng khiến một người chết, hai người đang nguy kịch, được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nạn nhân được xác định là anh Cao Huy H., sinh năm 1979, đã tử vong.
Chị Khưu Thị Hồng Tr. (sinh năm 1979, vợ anh H.) và cháu Cao Thị Như Q. (sinh năm 2006, con của vợ chồng anh H.), cùng cư trú tại ấp Tân Thanh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên.
Theo thông tin từ người nhà các nạn nhân, ngày 3/6, gia đình anh Cao Huy H. vào rừng hái nấm không rõ loại (tương tự như nấm trứng gà, trứng ngỗng), mang về chế biến thức ăn. Cả gia đình ba người cùng ăn.
Sau khi ăn, anh H. và vợ có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, đã tự mua thuốc uống.
[Bộ Y tế: Tăng cường phòng chống ngộ độc vì sử dụng nấm độc, cây rừng]
Đến 2 giờ ngày 5/6, cả hai vợ chồng anh H. có triệu chứng nặng, được người nhà cho nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.
Cháu Cao Thị Như Q. có triệu chứng nhẹ hơn, để tại nhà theo dõi. Đến 10 giờ 44 phút, ngày 5/6, cháu được đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh với triệu chứng mệt, nôn ói, khó thở.
Bác sỹ Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, cho biết khi nhập viện, các nạn nhân có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, chẩn đoán ngộ độc do nấm không rõ loại.
Bệnh diễn tiến nặng, cả ba người được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tích cực. Do nhiễm độc quá nặng, anh H. đã tử vong.
Bác sỹ Nguyễn Thái Bình khuyến cáo người dân không nên sử dụng bất cứ loại nấm nào ở rừng về làm thức ăn. Nhiều trường hợp đã ăn nhầm nấm độc và bị ngộ độc nấm.
Thông thường, các trường hợp bị ngộ độc nấm sẽ có diễn biến rất nhanh, có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, người dân nếu có các triệu chứng ngộ độc do nấm gây ra, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo ông Thành Từ Dũ, Bí thư Huyện ủy Tân Biên, nấm trứng gà, trứng ngỗng là loại nấm rừng nhưng có nhiều loại, có loại có độc và loại không độc. Người dân địa phương thường hái nấm rừng này vào mùa mưa để làm thức ăn. Tuy nhiên, nếu sơ suất có thể nhầm lẫn giữa nấm độc và nấm không độc.
Ngoài ra, nấm rừng không độc vẫn có thể bị nhiễm độc tố từ các loại nấm rừng khác hoặc con vật có độc tiết, chất độc dính vào nấm.
Người dân cần thận trọng khi sử dụng các loại nấm được hái từ rừng nhằm tránh bị ngộ độc./.