Thảo luận thẳng thắn, sôi nổi về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Đánh giá cao phiên thảo luận về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đông đảo cử tri Hà Nội cho rằng phiên thảo luận diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng.
Thảo luận thẳng thắn, sôi nổi về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình, thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri.

Phóng viên TTXVN tại một số địa phương ghi nhận ý kiến của cử tri về phiên thảo luận này.

Hoàn thiện khung pháp lý cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Đánh giá cao phiên thảo luận ở hội trường, đông đảo cử tri Hà Nội cho rằng phiên thảo luận diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng. Một trong những nội dung thảo luận hấp dẫn, thu hút sự chú ý của cử tri Hà Nội trong phiên họp sáng 28/5 là vấn đề liên quan đến cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước khi hơn hai mươi năm qua, việc cổ phần hóa đã có những tác động tích cực, góp phần nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh ở đa số doanh nghiệp Nhà nước.

Song cử tri cũng cho rằng, thực tế hiện vẫn còn một số những trở ngại không chỉ gây thất thoát tài sản Nhà nước mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu nhiều doanh nghiệp lớn. Khắc phục được những khó khăn này không chỉ góp phần chống tham nhũng, tiêu cực mà còn tạo thêm điều kiện cho nền kinh tế hội nhập sâu hơn nữa vào kinh tế khu vực và thế giới, nâng cao đời sống của hàng vạn lao động.

Theo cử tri Trần Khánh Dung, Tiến sỹ, giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Xây dựng (Hà Nội), cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một công việc khá mới và phức tạp ở Việt Nam. Sự phức tạp này có từ việc xây dựng phương án mua bán, thương thảo với nhà đầu tư, định giá, soát xét doanh nghiệp, đến thực hiện các thủ tục hoàn tất thương vụ.

[Cổ phần hóa: Có hiện tượng 'Bộ không muốn rời xa doanh nghiệp sân sau']

Thêm vào đó, các quy định pháp lý vẫn đang trong quá trình hình thành và chưa thể theo kịp thực tế phức tạp này. Điển hình là việc định giá, mua bán tài sản khi trên thực tế dường như một số doanh nghiệp cổ phần hóa đang vận dụng các quy định pháp lý chưa có lợi cho đại bộ phận cộng đồng.

Lấy dẫn chứng những ồn ào quanh việc Hãng Phim truyện Việt Nam được định giá thương hiệu là 0 đồng, tiến sỹ Trần Khánh Dung nêu ý kiến khó hiểu khi cổ phần hóa lại định giá bằng 0 đồng cho giá trị thương hiệu cùng với giá trị lợi thế kinh doanh của Hãng phim truyện Việt Nam.

"Chính phủ đã có những nỗ lực để hoàn thiện khung pháp lý cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2018 để thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP và các văn bản liên quan. Song tôi mong rằng Chính phủ, Quốc hội vẫn cần có những điều khoản mạnh hơn về quy chế giám sát quá trình cổ phần hóa, quy kết người chịu trách nhiệm và biện pháp xử lý sai phạm, để ngăn ngừa những thương vụ đáng tiếc như trong thời gian vừa qua," tiến sỹ Trần Khánh Dung nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, cử tri Phạm Ngọc Huyền - thạc sỹ, giảng viên Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua đã góp phần nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh ở đa số doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng vẫn còn những khúc mắc, lỗ hổng, trong đó lớn nhất là xác định giá trị đất đai, quản lý, sử dụng đất, chọn nhà đầu tư chiến lược, đấu giá. Đây là kẽ hở khiến tài sản của Nhà nước dễ bị thất thoát khi đất đai bị chuyển đổi mục đích sử dụng.

Lấy ví dụ về bất cập liên quan đến định giá, cử tri Phạm Ngọc Huyền chỉ rõ: Theo quy định, việc xác định giá trị doanh nghiệp có hai phương pháp gồm phương pháp tài sản và chiết khấu dòng tiền. Nhưng thực tế hiện nay, đa số các doanh nghiệp cổ phần hóa ở Việt Nam thường chọn phương pháp tài sản theo giá thị trường vì về hình thức có vẻ đơn giản, dễ thực hiện và thường phản ánh kỳ vọng của các cổ đông nhỏ lẻ. Tuy nhiên, phương pháp này rất dễ bị thao túng, trục lợi.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nghiêm túc thường quan tâm hơn đến giá trị thực chất của doanh nghiệp, được định giá bởi phương pháp chiết khấu dòng tiền phức tạp hơn, cần nhiều nỗ lực và thời gian hơn.

"Định giá của Nhà nước để bán thì rất thấp nhưng ngược lại, khi Nhà nước đi mua lại định giá rất cao để lấy tiền ngân sách. Đây là hành vi coi thường luật pháp hoặc lợi dụng kẽ hở luật pháp để trục lợi. Rất mong Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hơn nữa khung pháp luật và mô hình quản lý của chủ sở hữu Nhà nước đối với vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp," cử tri Phạm Ngọc Huyền bày tỏ ý kiến.

Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước

Sau khi lắng nghe Quốc hội thảo luận, nhiều doanh nghiệp tại Quảng Ngãi, Hải Phòng đã đồng tình, thống nhất cao với một số ý kiến mà các đại biểu Quốc hội nêu ra; đồng thời đề xuất nhiều phương án để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trung Quân - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư, xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) cho hay để doanh nghiệp Nhà nước đứng vững trong thời đại hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp phải chọn được người đứng đầu giỏi, đủ kiến thức về môi trường kinh doanh nhà nước, có năng lực quản lý tốt về tài sản, vốn của đơn vị mình.

Ông Quân cũng nêu ra một số bất cập, khó khăn doanh nghiệp gặp phải. Chẳng hạn như, cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước quá nhiều nên khi gặp vấn đề cần xử lý thì không thể nhanh, gọn được trong khi môi trường kinh doanh đòi hỏi phải nhạy, kịp thời... Vì vậy, nhiều lúc doanh nghiệp tự đánh mất đi cơ hội làm ăn của mình.

"Tôi cho rằng, muốn khắc phục điều này, những lĩnh vực nào không cần thiết nên cổ phần hóa, chuyển qua loại hình doanh nghiệp khác, còn Nhà nước chỉ giữ lại những gì thật sự thiết yếu, cần thiết cho nền kinh tế quốc doanh. Mỗi tỉnh nên có 1-2 doanh nghiệp Nhà nước để tiếp cận tốt thị trường hiện tại," ông Quân nói.

Ông Trần Lưu Phương - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Hoàng Diệu, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cho rằng, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp là vấn đề nhân lực. Doanh nghiệp phải có phương án để đảm bảo quyền lợi cho người lao động đã có tuổi, khả năng thích ứng với quy trình, phương thức làm việc mới không nhanh bằng nhân lực trẻ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước cũng cần cơ cấu lại đội ngũ lao động, tái đào tạo để người lao động có kỹ năng làm việc phù hợp với yêu cầu của công việc trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị hiện đại, thay đổi phương thức quản trị, tiết giảm chi phí không cần thiết là những giải pháp tích cực để nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Quan tâm đến vấn đề bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp Nhà nước, từ Hải Phòng, cử tri Phạm Văn Hoàn - Giám đốc Công ty Trách nhiệm Thương mại và Du lịch Quỳnh Trang cho rằng việc gây dựng thương hiệu rất khó nhưng đánh mất thương hiệu có khi chỉ trong một ngày. Khi niềm tin của người tiêu dùng lung lay, việc thuyết phục họ tin tưởng lại thương hiệu của doanh nghiệp vô cùng khó khăn.

Vì vậy, đối với những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước, việc bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh càng quan trọng. Điều đó giúp doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt nền kinh tế đất nước, cạnh tranh hiệu quả với doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục