Thế giới có hơn 2,3 triệu ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua

So với 1 tuần trước, số ca nhiễm mới tại tất cả các khu vực trên thế giới đều giảm, trong đó Bắc Mỹ giảm tới 40%, châu Phi giảm 30%, Nam Mỹ giảm 24%, châu Đại dương giảm 13% và châu Á giảm 8%.
Thế giới có hơn 2,3 triệu ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua ảnh 1Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Mulhouse, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 12/2 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 408.652.458 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.819.507 ca tử vong. Số ca hồi phục là hơn 328.565.484 ca.

Trong 24 giờ qua, thế giới có hơn 2,3 triệu ca nhiễm mới, trong đó Đức ghi nhận con số cao nhất 229.989 ca, tiếp sau là Nga 203.949 ca, Brazil 166.003 ca, Mỹ 138.790 ca, Pháp 131.376 ca, Nhật Bản 100.097 ca...

Châu Âu tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19 trên thế giới khi chiếm tới hơn 50% tổng số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày trên toàn cầu. Tuy nhiên, so với 1 tuần trước, số ca nhiễm mới tại tất cả các khu vực trên thế giới đều giảm, trong đó Bắc Mỹ giảm tới 40%, châu Phi giảm 30%, Nam Mỹ giảm 24%, châu Đại dương giảm 13% và châu Á giảm 8%.

Căn cứ vào những chỉ số về dịch bệnh như số lượng bệnh nhân nhập viện, số ca điều trị tích cực, Ủy ban quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 (CODECO) của Bỉ đã quyết định hạ mức cảnh báo dịch từ màu đỏ xuống màu cam.

Theo đó, kể từ ngày 18/2, một số biện pháp nới lỏng sẽ được áp dụng: lĩnh vực nhà hàng sẽ không bị bắt buộc 6 người/bàn như trước cũng như quy định giờ đóng cửa. Việc đứng uống tại quầy bar cũng được cho phép. Vũ trường và quán bar đêm được phép hoạt động trở lại.

Căn cứ vào tình hình trong các trường học khi số lượng học sinh và giáo viên vắng mặt do mắc COVID-19 đã giảm rất nhiều, CODECO cho phép học sinh dưới 12 tuổi không phải đeo khẩu trang ở trường.

Làm việc từ xa vẫn được khuyến nghị nhưng không bắt buộc. Các hoạt động thể thao trong nhà được phép đón tiếp từ 100-200 khán giả, trong khi các hoạt động ngoài trời không bị giới hạn về số lượng người tham gia cũng như công chúng tham dự. Các cửa hàng không bị giới hạn lượng khách vào mua sắm.

Tuy nhiên, Thủ tướng De Croo nhấn mạnh chứng chỉ xanh về COVID-19 (CST) sẽ vẫn được yêu cầu để được vào các nhà hàng, quán bar, tham dự các chương trình biểu diễn và sự kiện.

Việc đeo khẩu trang sẽ vẫn là bắt buộc đối với nhân viên. Theo Bộ trưởng Y tế, Frank Vandenbroucke, CODECO sẽ xem xét vào tháng 3 liệu các biện pháp này có thể được dỡ bỏ hay không.

[WHO dự báo đại dịch COVID-19 kéo dài, sẽ có thêm biến thể mới]

Theo giới chức Bỉ, virus corona vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn và vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn. Do đó, mọi người luôn phải cảnh giác đối phó với những yếu tố mới. Các biện pháp phòng dịch vẫn phải được tuân thủ.

Bỉ nới lỏng các biện pháp nhằm chuẩn bị cho kỳ nghỉ carnaval hằng năm, sẽ bắt đầu từ cuối tháng này.

Liên quan đến phân phối vaccine, nguồn tin từ giới chức Mỹ cho biết nước này đã chuyển gần 1,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho 5 nước châu Phi bao gồm Mozambique, Zambia, Cộng hòa Congo, Namibia và Eswatini.

Nguồn tin cho biết 4 nước châu Phi sẽ nhận được vaccine của hãng Johnson & Johnson thông qua Quỹ tín thác mua lại vaccine cho người dân châu Phi, trong đó Mozambique nhận 840.000 liều, Zambia nhận 672.000 liều, Cộng hòa Congo và Namibia mỗi nước 168.000 liều.

Trong khi đó, Eswatini sẽ nhận được 50.310 liều vaccine của hãng Pfizer thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Theo lời một quan chức Mỹ, các lô vaccine dành cho châu Phi phản ánh tham vọng của Tổng thống Joe Biden trong việc đưa quốc gia này thành "kho vũ khí vaccine trong cuộc chiến chống lại COVID-19.”

Quan chức này cho biết, ngoài 2 tỷ USD được quyên góp cho chương trình COVAX, Chính phủ Mỹ đã mua 500 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech để phân phối trong cả năm cho Liên minh châu Phi và 92 quốc gia có thu nhập thấp và dưới trung bình.

Tháng trước, chính quyền Mỹ cho biết đã vượt qua cột mốc chuyển 400 triệu liều vaccine đến 112 quốc gia. Washington đã cam kết đến cuối cùng sẽ cung cấp 1,1 tỷ liều vaccine cho các nước trên thế giới - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác - và đã chuyển vaccine đến các quốc gia khác nhau, từ Guatemala đến Papua New Guinea.

Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 đã tăng lên khắp châu Phi vào tháng 12 năm ngoái, giống như phần lớn các nước trên thế giới, với sự xuất hiện của biến thể Omicron, nhưng hiện nay số ca nhiễm mới đang nhanh chóng thuyên giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục