Thị trường Tết tăng nhiệt, doanh nghiệp bận rộn phục vụ khách hàng

Từ siêu thị đến chợ truyền thống, các doanh nghiệp và tiểu thương đều chuẩn bị nhiều sản phẩm hấp dẫn để phục vụ người tiêu dùng mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Thị trường Tết tăng nhiệt, doanh nghiệp bận rộn phục vụ khách hàng ảnh 1Ảnh chỉ mang tính mính họa. (Nguồn: TTXVN)

Mua bán trong những ngày giáp Tết diễn ra hết sức sôi động. Từ siêu thị đến chợ truyền thống, các doanh nghiệp và tiểu thương đều chuẩn bị nhiều sản phẩm hấp dẫn để phục vụ người tiêu dùng.

Nguồn hàng đa dạng

Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (​doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart), Tết năm nay, Fivimart đẩy mạnh phục vụ hàng nông sản, rau củ quả, nhất là nhóm hàng đặc sản vùng miền của các tỉnh như Hà Giang, Sơn La, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long... như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Cao Lãnh (Đồng Tháp), bưởi da xanh (Tây Ninh), bưởi Năm roi, kẹo dừa Bến Tre, măng cụt, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, vú sữa.

​Ngoài những mặt hàng thiết yếu, bà Hậu cho biết, hệ thống của Fivimart đã chuẩn bị rất nhiều giỏ quà, với mẫu mã phong phú, bắt mắt để phục vụ khách hàng, kể cả những người có thu nhập thấp.

"Hệ thống FiviMart đều bán đến tối 30 Tết, riêng ngày mồng Một Tết, FiviMart Long Biên mở cửa phục vụ khách hàng. Ngày mồng Ba, có 13 siêu thị mở cửa và đồng loạt mở cửa hệ thống FiviMart vào ngày mồng 5 Tết," ​bà Vũ Thị Hậu cho hay.

[Nhiều đặc sản địa phương, vùng miền tại Hội chợ Xuân Giảng võ]

Không khó khăn khi cần mua một loại đặc sản ở địa phương nào đó, bởi sự kết nối hàng hóa từ các địa phương đến siêu thị năm nay rất thuận tiện, hầu hết các mặt hàng như truyền thống như chè Thái Nguyên, miến dong Hà Nội, măng khô Tuyên Quang, hay các loại thịt gác bếp Sơn La, nem, chả Huế, bún khô Hà Nội, cá bống Sông Trà của Quảng Ngãi... đều rất sẵn.

Đại diện Saigon Co.op cho biết, lượng hàng phục vụ Tết được doanh nghiệp này chuẩn bị từ cuối quý 3/2017.

Ngoài những mặt hàng truyền thống như bánh mứt, nho khôm lạp xưởng, giò lụa, công ty còn chú trọng nhiều vào các dòng sản phẩm hữu cơ như rau, củ, quả và thịt cá đạt chuẩn USDA và châu Âu.

Thực tế trong những năm trở lại đây, tình trạng khan hàng, sốt giá đã không xảy ra trong các dịp Tết cũng một phần là do các doanh nghiệp đã chủ động lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Nói về việc chuẩn bị hàng hóa Tết, đại diện Công ty ​Nhất Nam cho biết thêm, ​doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp để ​đảm bảo cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cũng như phục vụ hàng bình ổn giá.

Thị trường Tết tăng nhiệt, doanh nghiệp bận rộn phục vụ khách hàng ảnh 2Ảnh chỉ mang tính mính họa. (Nguồn: TTXVN)

Giao hàng tận nhà

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, hàng hóa phục vụ Tết cũng rất phong phú. Không chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như giò lụa, thịt bò khô, nấm mộc nhỉ, nấm hương, măng khô, dưa kiệu, hành muối… nhiều tiểu thương còn chuẩn bị các đặc sản như chả cốm, thịt đông, cá chép kho riềng... để phục vụ khách hàng.

Theo ông Nguyễn Phi Long, Giám đốc Công ty thương mại Việt, nhu cầu mua sắm trong dịp Tết tăng cao, đặc biệt các đặc sản vùng miền được tiêu thụ rất mạnh.

Nắm bắt xu hướng này, doanh nghiệp đã liên kết với nhiều địa phương để giới thiệu những sản phẩm đặc trưng nhất trong dịp Tết như: giò bò, hạt óc chó, lạp xưởng, hay các loại mắm, cá khô, mực khô và các loại trái cây đặc sản miệt vườn…

Không những vậy, doanh nghiệp còn sẵn sàng giao hàng đến tận nhà khi khách hàng có nhu cầu.

"Đây là một dịch vụ không mới, nhưng trong dịp Tết, việc bán và giao hàng này cũng được khai thác triệt để nhằm nâng cao chất lượng bán hàng," ông Long nói

Còn theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro, doanh nghiệp đã chủ động dự trữ một lượng hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu để đưa ra kinh doanh trong dịp Tết.

Ngoài ra, từ ngày 11/1 đến 3/3 dương lịch, Hapro sẽ bán hàng phục vụ Tết tại 60 điểm, gồm hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, hệ thống cửa hàng Haprofood, Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam và Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối Bắc Thăng Long.

Đặc biệt, các cửa hàng, địa điểm kinh doanh của Hapro sẽ mở cửa phục vụ đến 22 giờ ngày 30 Tết, còn từ ngày mùng 1-3 Tết âm lịch, một số cửa hàng tại khu vực phố cổ sẽ mở cửa bán hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và từ mùng 5 Tết, tất cả các địa điểm kinh doanh sẽ hoạt động bình thường.

"Với công tác chuẩn bị rất trách nhiệm, Hapro sẽ cùng với các doanh nghiệp thành phố để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người dân khi mua sắm," ông Sơn cho hay.

Năm nay, lịch nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất kéo dài, theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp này sẽ tăng đột biến, thậm chí kể cả những ngày sát Tết.

Để chủ động trong mọi tình huống, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố đã chuẩn bị nguồn hàng trị giá khoảng 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái để bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Đáng chú ý, đối với các chợ, là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết, dự kiến lượng hàng hóa phục vụ qua kênh này ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng./.

Hà Nội chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân mua sắm dịp Tết Nguyên đán. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục