Thích ứng an toàn với COVID-19: Sức mạnh của 'tấm khiên' ý thức

Trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới đã dỡ bỏ phong tỏa, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn với COVID-19, các nước đã khuyến nghị người dân tiếp tục các biện pháp tự bảo vệ mình và cộng đồng.
Thích ứng an toàn với COVID-19: Sức mạnh của 'tấm khiên' ý thức ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hanam, Hàn Quốc, ngày 24/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hàn Quốc đã ghi nhận ngày có số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay ngay sau kỳ nghỉ Tết Trung Thu kéo dài 3 ngày (từ ngày 20-22/9).

Số ca mắc COVID-19 ở Campuchia ngày 24/9 đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 7 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang trong mùa lễ hội Pchum Ben bắt đầu từ ngày 22/9.

Giới chức Ấn Độ đang lo ngại về nguy cơ lặp lại “thảm kịch” bùng phát dịch hồi tháng Tư vừa qua khi chứng kiến hàng nghìn tín đồ theo đạo Hindu ở khắp Ấn Độ, nhiều người không đeo khẩu trang, tham dự nghi lễ tắm nước các tượng thần voi trong lễ hội Ganesh Chaturthi.

Những diễn biến này đang “phủ bóng” lên bức tranh toàn cảnh dịch bệnh ở châu Á trong 7 ngày qua.

Nhiều nước châu Á nới lỏng quy định phòng dịch

 Trái với châu Âu và châu Đại Dương ghi nhận mức tăng cả về số ca mắc mới và tử vong trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới và tử vong ở châu Á tiếp tục xu hướng giảm (lần lượt giảm 11% và 17% so với tuần trước đó) đã tạo điều kiện để nhiều nước khu vực nới lỏng những quy định phòng dịch, dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch.

Malaysia đang thực hiện thí điểm “bong bóng du lịch” nội địa ở đảo Langkawi thuộc bang Kedah.

Nepal bắt đầu nối lại việc cấp thị thực (visa) cho tất cả khách du lịch đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong khi Ấn Độ dự định cấp miễn phí 500.000 thị thực du lịch để chuẩn bị nối lại hoạt động của ngành du lịch sau hơn một năm đóng cửa.

[Australia mở rộng dịch vụ ngoài trời, nhiều nước Nam Á nới hạn chế]

Chính phủ Nhật Bản cũng cân nhắc có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 19 địa phương vào cuối tháng này khi tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh xấu đi ở một số nước sau đợt lễ hội đang gây lo ngại.

Lý giải về việc số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc tăng vọt - ngày 25/9 lên mức cao nhất từ trước tới nay (3.273 ca) với hầu hết là các ca lây nhiễm trong cộng đồng, người phát ngôn Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Sohn Young-rae cho rằng sự chủ quan, lơ là phòng dịch và việc người dân di chuyển nhiều như đi du lịch hay thăm họ hàng, người thân nhân kỳ nghỉ Tết Trung Thu vừa qua là nguyên nhân chính, mặc dù nhà chức trách đã đưa ra những quy định hạn chế nhất định.

Trong 3 ngày nghỉ lễ Trung Thu, còn được coi là lễ tạ ơn của người dân Hàn Quốc, nước này cho phép tối đa 8 người tham gia các cuộc tụ họp riêng tư, nhưng trong đó ít nhất 4 người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.

Tại Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho rằng số ca nhiễm mới tăng đột ngột là do người dân đổ về các các ngôi chùa để tham dự các hoạt động tôn giáo nhân lễ hội Pchum Ben, đồng thời cảnh báo một thảm họa có thể xảy ra sau lễ hội này với số người mắc bệnh và tử vong có thể tăng cao hơn nữa.

Ngày 24/9, Thủ tướng Campuchia đã ký quyết định tạm dừng mọi hoạt động của lễ hội Pchum Ben trên cả nước để ngăn chặn dịch bệnh lây lan dù sự kiện này kéo dài đến tháng sau.

Theo Thủ tướng Hun Sen, việc hủy bỏ các hoạt động mùa lễ hội là cần thiết để kiểm soát sự lây lan của COVID-19, vào thời điểm Campuchia đang mở cửa trở lại trường học và có kế hoạch từng bước mở cửa đất nước trong thời gian tới.

Chính quyền Phnom Penh cũng quyết định tạm thời ngừng toàn bộ các cuộc tụ tập lễ hội tôn giáo đông người tại thủ đô.

Trước đó, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia Li Ailan đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tâm lý chủ quan sau khi tiêm vaccine của những người đã được tiêm phòng đầy đủ tại Campuchia, một trong những quốc gia có tỷ lệ người được tiêm chủng cao ở Đông Nam Á.

Hiện Campuchia đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 80% trong tổng trên 17 triệu người đang sinh sống và làm việc tại nước này, trong đó tỷ lệ người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) được tiêm chủng là 98,35%; thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi là 88,55% và 56,49% ở nhóm trẻ em từ 6-12 tuổi.

Theo bà Li Ailan, nhiều người đã lơ là công tác phòng dịch sau khi tiêm phòng COVID-19 và điều này là rất nguy hiểm.

Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia cũng nhận định tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở giới trẻ do nhóm đối tượng này hay ra ngoài gặp gỡ bạn bè.

Ấn Độ hiện đã gần như trở lại với cuộc sống bình thường, song các chuyên gia cũng lo ngại mùa lễ hội vào tháng Chín và kéo dài sang tháng 11 có thể khiến quốc gia Nam Á chứng kiến làn sóng dịch COVID-19 bùng phát tương tự hồi tháng Tư.

Ý thức của người dân vẫn đóng vai trò quan trọng

Sự việc số ca mắc mới gia tăng trở lại sau lễ hội Onam vào cuối tháng Tám ở bang Kerala đã trở thành “hồi chuông cảnh báo,” buộc chính quyền các bang tại Ấn Độ tăng cường biện pháp phòng dịch trước thềm các lễ hội tôn giáo lớn.

Chính quyền bang Maharashtra quyết định hạn chế chiều cao tượng thần Ganesha nhằm giảm số người tham gia rước tượng trong dịp lễ hội Ganesh Chaturthi, đồng thời cấm một số nghi lễ.

Chính quyền bang Karnataka duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm và cấm tổ chức lễ hội Ganesh Chaturthi tại những khu vực có tỷ lệ dương tính cao.

Tại bang miền Nam Tamil Nadu, nhà chức trách đã cấm việc tổ chức các lễ hội tại nơi công cộng, trong khi đó bang Tây Bengal sẽ siết chặt biện pháp chống dịch trong thời gian diễn ra lễ hội Durga Puja kéo dài 9 ngày, dự kiến vào tháng 10.

Tuy nhiên, việc hàng trăm nghìn người vẫn tụ tập tham gia các nghi thức trong lễ hội Ganesh Chaturthi diễn ra tuần qua mà không thực hiện các biện pháp giản cách, đeo khẩu trang… đang gợi lại thảm kịch của làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất từ trước tới nay ở Ấn Độ hồi tháng Tư, khi có tới 200.000 người tử vong và toàn hệ thống y tế “kiệt quệ” vì virus SARS-CoV-2.

Làn sóng dịch COVID-19 hồi tháng Tư bùng phát sau khi Ấn Độ tổ chức cuộc hành hương Kumbh Mela - một trong những sự kiện tôn giáo lớn nhất thế giới - với khoảng 25 triệu tín đồ Hindu tham gia.

Hoạt động tôn giáo lớn nhất thế giới nói trên đã trở thành sự kiện "siêu lây nhiễm" virus SARS-CoV-2, khi hàng triệu người, trong đó phần lớn không đeo khẩu trang, chen lấn nhau hành lễ bên sông Hằng.

Thích ứng an toàn với COVID-19: Sức mạnh của 'tấm khiên' ý thức ảnh 2Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Guwahati , Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Làn sóng dịch tồi tệ ở Ấn Độ hồi tháng Tư được coi là bài học đắt giá cho thái độ chủ quan, bất cẩn, coi thường biện pháp phòng chống dịch bệnh của chính con người.

Chủ tịch Quỹ Y tế công cộng Ấn Độ K Srinath Reddy khi đó nhận định sau khi kiểm soát được đợt lây nhiễm đầu tiên hồi năm ngoái, người dân nước này có tâm lý “ăn mừng,” cho rằng như vậy là đạt được miễn dịch cộng đồng, ngừng thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19. Hậu quả là những biến thể của virus đã “cùng đến ăn mừng với các đám đông.”

Đó cũng là nguồn gốc của làn sóng dịch thứ hai ở châu Âu hồi cuối mùa Hè năm ngoái, khi các nước đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm đầu tiên, bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa biên giới và nền kinh tế, và người dân bắt đầu lơ là, mất cảnh giác đối với COVID-19.

Thực tế trên cho thấy khi nới lỏng các biện pháp hạn chế để dần mở cửa trở lại, thì hành động và ý thức của người dân vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với các cơ quan chính phủ để kiềm chế dịch bệnh, như nhận định của Thống đốc Jakarta (Indonesia) Anies Baswedan.

Tiến sỹ Michael Lydeamore, nhà nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Monash (Australia), cho rằng các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng cần được duy trì ở một mức độ nhất định cho đến khi các cơ quan y tế chắc chắn rằng việc dỡ bỏ những biện pháp này sẽ không làm bùng phát các ca nhiễm ngoài tầm kiểm soát.

Người dân vẫn cần phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách… vì đây là một biện pháp có thể giảm phần nào sự lây nhiễm mà không tốn kém.

Ông Hans Kluge, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, cho rằng: “Phải nhận thức được tình trạng ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất kỳ đâu. Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 có thể gây ra một “cơn bão hoàn hảo,” đẩy số ca nhiễm lên cao chóng mặt.”

Bởi vậy, trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới đã dỡ bỏ phong tỏa, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn với COVID-19, các nước đã khuyến nghị người dân tiếp tục các biện pháp tự bảo vệ mình và cộng đồng xung quanh.

Các nước áp dụng nhiều mức phạt để nâng cao ý thức phòng dịch

Khuyến nghị 5 bước của Cơ quan Y tế Anh, ngoài ưu tiên thực hiện nghiêm những quy định về giãn cách xã hội, thường xuyên rửa tay, sẵn sàng tự cách ly nếu có triệu chứng mắc bệnh…, còn có lưu ý người dân cần cập nhật thông tin về dịch bệnh thông qua các nguồn tin đáng tin cậy.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến nghị người dân đi tiêm vaccine, đeo khẩu trang, tránh đám đông và giữ khoảng cách với người đối diện ít nhất 2m, rửa tay thường xuyên… nếu muốn “sống chung an toàn với COVID-19.”

Nhiều nước cũng áp dụng mức phạt phù hợp đối với các đối tượng không tuân thủ quy định, để vừa răn đe vừa nâng cao ý thức phòng dịch của người dân.

Đức áp dụng mức phạt khá cao, từ 50-500 euro nếu người dân không giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m, hoặc không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thậm chí phạt đối tượng trốn cách ly lên đến 5.000 euro.

Một số nước châu Âu khác như Áo, Pháp, Thụy Sĩ… cũng áp dụng các hình phạt tương tự.

Trong khi đó, nhiều địa phương ở Thái Lan cũng đã phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng lên đến 20.000 bath (600 USD).

Tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cùng với vaccine và thuốc chữa bệnh, ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết trong việc thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Việc người nâng cao ý thức, tự giác, chủ động thực hiện giải pháp vaccine + 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế) là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, như khẳng định của Bộ Y tế: ý thức của người dân là “lá chắn thép” trong phòng chống dịch.

Diễn biến số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại tại Hàn Quốc, Campuchia hay Ấn Độ trong 7 ngày qua sau những lễ hội, sự kiện tôn giáo có đông người tụ tập là minh chứng rõ ràng cho thấy việc mỗi người nâng cao ý thức tự bảo vệ và tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa quyết định trong phòng chống dịch bệnh.

Trong điều kiện sống chung với COVID-19, ý thức của mỗi người chính là liều “vaccine” hiệu quả nhất giúp tạo ra tấm khiên vững chắc, trước hết bảo vệ mình, đồng thời bảo vệ cả cộng đồng, từ đó cùng nhau kiểm soát được dịch bệnh để cuộc sống có thể trở lại bình thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục