Sáng 17/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có cuộc họp trực tuyến với và 63 tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả công tác phòng, chống COVID-19 trong hơn 1 năm qua.
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp, Việt Nam trải qua 3 giai đoạn của dịch. Giai đoạn đầu từ cuối tháng 1/2020 có người dân trở về nước từ Vũ Hán-Trung Quốc và các nước có dịch.
Giai đoạn 2 vào tháng 7/2020 với các ca mắc tại Đà Nẵng và 14 tỉnh, thành phố; giai đoạn 3 từ tháng 1/2021 tại Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố khác.
Tính đến nay, cả nước ghi nhận tích lũy 2.560 trường hợp mắc, đã có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (chiếm 85,4%), hiện còn 339 đang được điều trị (chiếm hơn 13%) và 35 trường hợp tử vong (chiếm 1,4%).
Tại cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương đã nêu ra nhiều bài học quan trọng trong phòng, chống COVID-19, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước hết sức nhanh nhạy, kịp thời, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là vai trò của lực lượng Y tế, Quân đội, Công an; vai trò của nhân trong giám sát cũng như tuân thủ quy định phòng, chống dịch.
Sức mạnh đoàn kết
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá với COVID-19, Việt Nam đã nhận diện chính xác mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và đã sớm kích hoạt hệ thống phòng dịch quốc gia, kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh và thực lực của đất nước.
Nhưng quan trọng hơn cả, việc kiểm soát được dịch bệnh qua 3 giai đoạn của dịch là nhờ sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của con người Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngay khi xuất hiện những ca mắc COVID-19 đầu tiên, mùng 3 Tết Nguyên Đán năm 2020, Thủ tướng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch.
[Nhìn lại cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam hơn 1 năm qua]
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, tinh thần chống dịch “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, quyết liệt “chống dịch như chống giặc” đã được ngành y tế, các địa phương thực hiện tập trung.
Trong chống dịch lần này, có những biện pháp lần đầu tiên được áp dụng như thành lập Sở Chỉ huy tiền phương, tăng cường cán bộ y tế, quyết liệt chống dịch nhưng vẫn thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta vẫn thực hiện đón công dân về nước, cho phép chuyên gia vào Việt Nam trên cơ sở tuân thủ yêu cầu y tế.
Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh vai trò quan trọng của lực lượng Y tế, Công an, Quân đội, các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người dân luôn tuân thủ, ủng hộ biện pháp phòng, chống dịch. Trong đại dịch, chúng ta đã chứng kiến những tấm lòng hảo tâm, nhân ái đồng hành cùng những hoàn cảnh khó khăn của xã hội, những lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Chính những điều đó đã giúp nước ta ngăn chặn hiệu quả trong cả 3 đợt dịch trong 14 tháng qua. Điều này cũng thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của con người Việt Nam.
Qua đó, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quản lý của Nhà nước và khẳng định tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta và hệ thống chính trị của nước ta.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ trân trọng cảm ơn toàn thể nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đồng lòng chia sẻ và chung tay hành động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Sức khỏe của nhân dân là ưu tiên hàng đầu
Cho rằng cuộc chiến phòng, chống COVID-19 thời gian tới còn rất nặng nề, bởi đang xuất hiện những biến thể mới ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có nhiều bài học cần rút ra từ việc triển khai nhiệm vụ quan trọng này.
Theo đó, đầu tiên là sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của hệ thống chính trị, trong đó nổi bật là sự mẫn cán, trách nhiệm, tận tụy quên mình để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ ngành y tế, các lực lượng vũ trang và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các cấp chính quyền địa phương, nhất là cán bộ tại các xã, thôn, bản, ấp, các chiến sĩ Biên phòng, Công an cơ sở.
Đặc biệt, tinh thần "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan trọng hàng đầu" đã tạo tiền đề cho mọi nỗ lực đồng thuận và huy động nguồn lực xã hội. Xây dựng vun đắp một tinh thần tự cường, tự chủ, nỗ lực vượt khó, đoàn kết một lòng trong phát triển ở tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể xã hội, phát huy mạnh mẽ vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng đề cập đến vai trò công tác truyền thông cung cấp thông tin và tạo đồng thuận xã hội trong công cuộc chống dịch.
Thủ tướng nêu bài học nữa là chú trọng vai trò hợp tác quốc tế, chủ động đưa ra các sáng kiến, tham gia có trách nhiệm trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, nâng uy tín, vị thế của Việt Nam.
Việt Nam đã đề xuất ở Liên hợp quốc và được bỏ phiếu rất cao về việc lấy ngày 27/12 là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch.
Tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, quyết tâm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia và hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh, cảnh giác, không lơ là chủ quan, tiếp tục chỉ đạo phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.
Triển khai gói an sinh xã hội tiếp theo đối với những doanh nghiệp khó khăn, những người dân bị thiệt hại vẫn tiếp tục đặt ra trong giai đoạn tới.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp phù hợp về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư trong thời gian tới để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp ứng phó với COVID-19. Một bộ phận người dân, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là vận tải dịch vụ vận tải, du lịch đang rất khó khăn.
Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các địa phương phải chủ động xây dựng phương án chống dịch, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn với phương châm 4 tại chỗ. Phối hợp phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản; thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập phòng dịch.
Quán triệt phương châm truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp và thực hiện cách ly tập trung ngay với tất cả các trường hợp tiếp xúc gần F1 để khống chế mầm bệnh, không để lây lan ra cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương cần thực hiện tốt việc tiêm phòng vaccine cho người dân; xem xét nhập khẩu các nguồn vắc xin khác nhau đảm bảo an toàn và kịp thời phục vụ người dân; đẩy nhanh sản xuất vaccine trong nước, chậm nhất là có vaccine vào năm 2022.
Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine; phối hợp, chỉ đạo các địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong toàn ngành, nhất là mua sắm trang thiết bị y tế.
Từ trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh có thời điểm cùng lúc phát hiện 35 người nhập cảnh trái phép có mặt trên địa bàn Thành phố, Thủ tướng yêu cầu lực lượng Công an, Quân đội siết chặt vấn đề này và làm rõ xử lý nghiêm./.