Tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, hướng đến xây dựng Huế trở thành đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường."
Tỉnh đẩy nhanh quá trình đô thị hóa bền vững; phấn đấu đến năm 2020 có 95% các khu đô thị, 70% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn đạt chuẩn quy định; 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; đất cây xanh công cộng khu vực nội thị các đô thị ngày một tăng.
Thừa Thiên-Huế có nhiều ưu điểm vượt trội để có thể trở thành một tỉnh có khả năng bứt phá trong phát triển xanh và bền vững, trong đó, thành phố Huế đang là một điểm đến xanh tự nhiên, đầy ấn tượng.
Sự phát triển nhanh chóng của đô thị và kinh tế thị trường không làm thay đổi diện mạo của thành phố Huế, vốn được mệnh danh là thành phố xanh. Tỉnh phấn đấu có các ngành kinh tế phát triển theo hướng xanh hóa; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện; có lối sống thân thiện môi trường.
Hiện nay ở thành phố Huế, diện tích công viên cây xanh, đường phố có cây xanh lên đến hơn 750ha trong tổng số 7.100 ha diện tích đất công cộng. Diện tích đất cây xanh ở Huế (công viên, đường phố, thảm cỏ) đạt 18,5m2/người (chưa tính cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan).
Đáng chú ý nhất ở Huế hiện nay là còn khoảng 750 ngôi nhà vườn với hệ thống cây xanh bao phủ, có giá trị cả về văn hóa và lịch sử. Chính những khu vườn này đã tạo thành một tổng thể cây xanh cho đô thị Huế đầy ấn tượng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, tỉnh tiếp tục đầu tư thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, dịch vụ xanh; ngăn ngừa và xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tỉnh tạo chuyển biến cơ bản về phát triển văn hóa, y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hình thành lối sống thân thiện môi trường.
Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng hỗ trợ Thừa Thiên-Huế thực hiện dự án "Thành phố xanh-Tương lai bền vững của khu vực Đông Nam Á" theo các tiêu chí cơ bản là bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững, cân bằng các giá trị và chất lượng cuộc sống.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai 16 dự án do ADB tài trợ trên nhiều lĩnh vực; trong đó chú trọng đến bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai… với số vốn xấp xỉ 123 triệu USD; trong đó môi trường bao gồm cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu để thực hiện các dự án.
Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai các dự án "Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mekong mở rộng-giai đoạn 2," "Phát triển bền vững du lịch Mekong" nhằm phát triển các đô thị xanh, làm cơ sở cho các trung tâm kinh tế xanh phát triển của vùng với chất lượng đời sống được nâng cao theo hướng bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững trước mọi diễn biến phức tạp của khí hậu.../.