Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ 2 di sản văn hóa đệ trình UNESCO ghi danh

Các hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái,” “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” hiện đang được các cơ quan chức năng hoàn thiện để trình UNESCO ghi danh trong thời gian tới.
Nghệ thuật "Xòe khăn," một trong 6 điệu xòe cổ được cộng đồng dân tộc Thái huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái trình diễn. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Nghệ thuật "Xòe khăn," một trong 6 điệu xòe cổ được cộng đồng dân tộc Thái huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái trình diễn. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Chánh văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thái Bình cho biết, trong năm 2019, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 7 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10) và công nhận 27 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 8).

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 4/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, diễn ra ngày 3/1 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thái Bình cho biết di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2019.

Hiện nay, các hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái,” “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” tiếp tục được các cơ quan chức năng hoàn thiện để trình UNESCO ghi danh trong thời gian tới.

[Bảo tồn, phát triển nghệ thuật Xòe Thái - loại hình múa đặc sắc]

Cũng trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng 37 di tích quốc gia; đưa 30 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhiều di tích, danh thắng tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch…

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đình Thành chia sẻ, thời gian qua có một số ý kiến cho rằng Việt Nam đang chạy theo hình thức danh hiệu, nhưng thực tế không phải là như vậy.

Cho đến nay, UNESCO đã ghi danh 13 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, gần đây nhất là “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.”

Phải khẳng định rằng UNESCO có những tiêu chí cụ thể để ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đi kèm với các danh hiệu luôn luôn là trách nhiệm, cam kết của các quốc gia có di sản được ghi danh để bảo vệ, phát huy giá trị, đảm bảo nguyên vẹn giá trị cốt lõi...

Các giá trị của 13 di sản của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh cũng được chính các nhà khoa học trong nước, cộng đồng ghi nhận.

Đến nay, các di sản đều được cộng đồng người dân sở hữu bảo vệ, trao truyền, truyền dạy, làm giàu thêm giá trị, góp phần để di sản văn hóa tiếp tục đi vào đời sống, làm giàu đẹp thêm giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Việt Nam, chứng minh sự đa dạng của văn hóa Việt Nam với thế giới…

Các hoạt động thực hiện cam kết với UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang được cộng đồng người dân sở hữu, các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa…

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thông tin làm rõ những vấn đề mà dư luận quan tâm trong thời gian qua như việc cấp phép phát hành phim; tiếp tục giải quyết những việc liên quan quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam; tiến độ xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay thế Nghị định 79; giải phóng mặt bằng xây dựng đường đua phục vụ đăng cai Giải đua xe công thức 1…

Cũng trong ngày 3/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu và tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu năm 2019.

Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến bình chọn online tại địa chỉ http://sukienvhttdl.bvhttdl. gov.vn/ đến ngày 6/1/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục