Tình hình tiếp nhận và tiêm chủng vaccine COVID-19 của các quốc gia

Ngày 10/10, Venezuela và Indonesia đã tiếp nhận thêm hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi Myanmar bắt đầu chương trình tiêm vaccine cho trẻ em.
Tình hình tiếp nhận và tiêm chủng vaccine COVID-19 của các quốc gia ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Caracas, Venezuela, ngày 19/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/10, Venezuela và Indonesia đã tiếp nhận thêm hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi Myanmar bắt đầu chương trình tiêm vaccine cho trẻ em.

Venezuela tiếp nhận hơn 2,5 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX

Ngày 10/10, Bộ trưởng Y tế Venezuela Carlos Alvarado cho biết nước này đã tiếp nhận 2.594.0000 liều vaccine ngừa COVID-19 từ cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu từ sân bay quốc tế Simon Bolivar sau lễ tiếp nhận, ông Alvarado khẳng định số vaccine sẽ được đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng đại trà với mục tiêu đến ngày 31/10 có thể tiêm ít nhất là một mũi vaccine cho 70% dân số.

[Lào hối thúc tiêm vaccine, Malaysia bỏ cấm dịch chuyển liên bang]

Để đẩy nhanh kế hoạch này, chính phủ Venezuela cũng kêu gọi tất cả người dân trên 18 tuổi đến những trung tâm tiêm chủng mà không cần phải đặt lịch trước.

Cùng với đó, giới chức y tế cũng triển khai các nhóm tiêm chủng di động đến từng nhà, trong đó ưu tiên cho các đối tượng là người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người tàn tật.

Trong tháng qua, Venezuela cũng tiếp tục nhận được các loại vaccine Sputnik của Nga và vaccine của công ty Trung Quốc Sinovac.

Theo số liệu thống kê chính thức, hiện đã có khoảng 50% dân số Venezuela được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và trên 20% đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng.

Đến nay, Venezuela đã ghi nhận 382.266 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 4.406 ca tử vong. Tỷ lệ những người mắc bệnh đã hồi phục là 95%.

Indonesia nhận thêm hơn 2 triệu liều vaccine của Pfizer

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia đã tiếp nhận thêm 2.000.700 liều vaccine phòng COVID-19 thành phẩm của hãng dược Pfizer để phân phối trực tiếp đến 12 tỉnh.

Ngày 10/10, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết việc mua vaccine này là để tăng thêm nguồn dự trữ vaccine quốc gia.

Hiện tại, Indonesia đã nhận được 280.527.920 liều vaccine ở dạng thành phẩm và bán thành phẩm.

Bà Siti Nadia cũng cho biết Chính phủ Indonesia tiếp tục cố gắng đảm bảo nguồn dự trữ vaccine và phân bổ vaccine trực tiếp đến các tỉnh trên khắp quốc gia để rút ngắn chuỗi phân phối và duy trì khả năng tiếp cận vaccine cho tất cả mọi người.

Bà cũng kêu gọi công chúng sớm đi tiêm chủng và không kén chọn các loại vaccine phòng COVID-19 vì tất cả đều an toàn và hiệu quả.

Myanmar khởi động chương trình tiêm vaccine chủng cho trẻ em trên 12 tuổi

Ngày 10/10, truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin nước này sẽ khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh trên 12 tuổi vào tuần tới.

Tình hình tiếp nhận và tiêm chủng vaccine COVID-19 của các quốc gia ảnh 2Bên trong bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Mandalay, Myanmar. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo thông tin truyền thông, khoảng 1 triệu học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đã nhập học trong năm học 2021-2022 sẽ được tiêm chủng vaccine, một nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Theo thông cáo ngày 10/10 của Bộ Y tế Myanmar, tính tới ngày 9/10, hơn 4,11 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine trên khắp cả nước, trong khi hơn 5,78 triệu người đã được tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19.

Trong khi đó, số ca mắc bệnh tại Myanmar đã tăng lên 478.651 người sau khi ghi nhận thêm 1.318 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua. Nước này cũng ghi nhận thêm 30 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên thành 18.134 người.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tới nay, tổng cộng 431.275 bệnh nhân đã được ra viện, đồng thời hơn 4,5 triệu mẫu đã được xét nghiệm COVID-19.

Cảnh sát Italy bắt giữ người biểu tình bạo lực chống vaccine

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 10/10, cảnh sát Italy tuyên bố đã bắt giữ 12 người, gồm cả thủ lĩnh đảng cực hữu Forza Nuova, sau các cuộc đụng độ ở Rome hôm 9/10.

Hàng nghìn người đã xuống đường hôm 9/10 ở thủ đô Italy để phản đối việc chính phủ yêu cầu tất cả người lao động phải xuất trình thẻ xanh COVID-19 để được đến nơi làm việc kể từ ngày 15/10.

Một số người biểu tình đã cố gắng vượt qua cảnh sát bảo vệ lối vào văn phòng của Thủ tướng Mario Draghi, trong khi một nhóm khác đã đột nhập và phá phách trụ sở của tổ chức công đoàn lớn CGIL.

Phát biểu trước những người ủng hộ trước văn phòng công đoàn ở Rome ngày 10/10, người đứng đầu CGIL, ông Maurizio Landini nói rằng "đó là một cuộc tấn công phátxít, và là không thể chấp nhận được."

Cơ quan cảnh sát cho biết 38 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc biểu tỉnh trên.

Các vụ nổi loạn trên đã bị lên án rộng rãi, bao gồm cả các thủ lĩnh cực hữu là Matteo Salvini của đảng Liên đoàn và Giorgia Meloni của đảng Anh em Italy.

Nghị sỹ đảng Dân chủ trung tả Emanuele Fiano cho biết ngày 11/10, đảng của ông sẽ trình một kiến nghị tại quốc hội để loại bỏ các nhóm như Forza Nuova, tán thành các tư tưởng tân phátxít cực đoan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục