Ngày 4/12, Ủy ban các vấn đề chính đảng thuộc Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập đã bất ngờ bác đơn xin thành lập chính đảng của phong trào Tamarod (Nổi dậy) - lực lượng đi đầu trong làn sóng biểu tình quy mô lớn lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi vào đầu tháng 7 năm ngoái.
Ủy ban trên cho biết đơn xin thành lập chính đảng của Tamarod có một số vấn đề về pháp lý và điểm mâu thuẫn. Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao của phong trào Tamarod Mohamed El-Nabawy tiết lộ rằng lực lượng này đang đối mặt với nhiều thách thức do chủ yếu quy tụ thanh niên và thiếu cả kinh phí lẫn kinh nghiệm pháp lý.
Tamarod được một nhóm thanh niên đến từ phong trào "Trào lưu Nhân dân Ai Cập" thành lập vào tháng 4/2013 và đã phát động một chiến dịch lấy chữ ký đòi Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi phải từ chức. Chiến dịch này đã kích động cuộc biểu tình rầm rộ thu hút hàng chục triệu người tham gia vào ngày 30/6/2013, dẫn đến việc quân đội ra lệnh phế truất nhà lãnh đạo này chỉ vài ngày sau đó.
Tháng 7 vừa qua, Tamarod đã cho công bố kế hoạch thành lập chính đảng để ra tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội Ai Cập sắp tới. Theo người sáng lập Tamarod Mahmoud Badr, phong trào này đã thu thập được 6.200 chữ ký ủng hộ, cao hơn mức 5.000 chữ ký theo luật định để được phép thành lập chính đảng.
Bên cạnh đó, Ủy ban các vấn đề chính đảng cũng không phê chuẩn đơn xin thành lập đảng Dân chủ Arab Ai Cập của Trung tướng Samir Anan, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội, đồng thời là cựu Phó Chủ tịch Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF). Theo luật định, cơ quan này sẽ phải chuyển quyết định của mình tới Tòa án Hành chính tối cao để phê duyệt.
Ủy ban các vấn đề chính đảng là cơ quan độc lập, có quyền phê chuẩn hoặc bác bỏ đơn xin thành lập đảng theo quy định của Hiến pháp Ai Cập hoặc Luật chính đảng trong trường hợp hồ sơ thiếu các tài liệu cần thiết hoặc chứa các giấy tờ giả mạo. Hiến pháp Ai Cập năm 2014 nghiêm cấm các chính đảng có nguồn gốc tôn giáo, sắc tộc hoặc quân sự.
Trong diễn biến khác, ngày 4/12, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah el-Sisi đã ký sắc lệnh sa thải và buộc về hưu trước tuổi đối với 9 thẩm phán có liên hệ với tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), trong đó có cựu Tổng công tố Talaat Abdallah.
Trước đó hồi tháng 9, Ban kỷ luật thuộc Hội đồng tư pháp tối cao Ai Cập đã đề nghị miễn nhiệm 9 thẩm phán nói trên. Ông Abdallah được cựu Tổng thống Mohamed Morsi bổ nhiệm làm Tổng công tố vào tháng 11/2012, từng là tâm điểm của cuộc khủng hoảng tư pháp trầm trọng và bị điều tra với cáo buộc lắp đặt máy quay lén trong văn phòng của người kế nhiệm Hesham Barakat. Các thẩm phán còn lại bị buộc tội tham gia biểu tình ủng hộ ông Morsi sau cuộc chính biến năm 2013 hoặc tham gia tổ chức "Thẩm phán vì lợi ích của Ai Cập" có liên hệ với MB, tổ chức bị chính quyền Ai Cập liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Tháng 10 vừa qua, một ủy ban tư pháp của Ai Cập cũng đề nghị hội đồng kỷ luật cách chức 60 thẩm phán, trong đó có cựu Bộ trưởng Tư pháp Ahmed Mekki và anh trai của ông này là cựu Phó Tổng thống Mahmoud Mekki với các cáo buộc tương tự.
Luật pháp Ai Cập cấm các thẩm phán tham gia chính trị. Những người vi phạm có thể bị cách chức, cho về hưu hoặc thuyên chuyển công tác sang lĩnh vực dân sự./.