TP.HCM: Chủ động ứng phó với biến chủng Omicron để ổn định sản xuất

Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất thành phố đã triển khai nhanh các biện pháp tăng cường nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 nhất là chủng Omicron trong doanh nghiệp, công ty.
TP.HCM: Chủ động ứng phó với biến chủng Omicron để ổn định sản xuất ảnh 1Công nhân lao động Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, hơn 350.000 công nhân lao động tại 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại thành phố đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, đạt gần 100%.

Nhiều người trong số đó đã tiêm liều bổ sung hoặc nhắc lại (mũi 3) tại doanh nghiệp hoặc nơi cư trú.

Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng, đặc biệt, chủng Omicron đang lây lan nhanh và dự báo thời gian tới có khả năng xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh. Do đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất thành phố đã triển khai nhanh các biện pháp tăng cường nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong doanh nghiệp, công ty.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cần có kế hoạch và chủ động xét nghiệm sàng lọc, tầm soát để kịp thời phát hiện ca nhiễm, tránh phát sinh ổ dịch tại nơi sản xuất. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp cần báo cáo ngay, đồng thời thực hiện quy trình xử lý F0 theo quy định của ngành Y tế.

Ông Hứa Quốc Hưng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch, đảm bảo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn;” nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan với các nguy cơ dịch bệnh; thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ lây nhiễm tới từng phân xưởng, khu vực sản xuất và chủ động phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả trước nguy cơ gia tăng ca nhiễm.

[TP.HCM: Chủng Omicron chiếm ưu thế, nhiều giáo viên, học sinh nghi mắc]

Đối với công nhân lao động, doanh nghiệp thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế tại nơi làm việc và nơi cư trú; chủ động xét nghiệm khi nghi ngờ và trong trường hợp có kết quả dương tính phải thông báo cho doanh nghiệp, Trạm y tế nơi cư trú để được theo dõi, hỗ trợ. “Không để xảy ra tình trạng người lao động mắc COVID-19 nhưng không khai báo, vẫn tiếp tục đi làm, gây ảnh hưởng tâm lý cho những người xung quanh và nguy cơ lây lan trong cộng đồng, doanh nghiệp," ông Hứa Quốc Hưng nhấn mạnh.

Ông Hứa Quốc Hưng lưu ý doanh nghiệp và người lao động không lơ là, chủ quan dù đã tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 hoặc mắc COVID-19 đã khỏi bệnh vẫn có thể tái nhiễm do biến chủng mới. Riêng các trường hợp người lao động chưa tiêm liều bổ sung hoặc nhắc lại (mũi 3) cần chủ động liên hệ với địa phương nơi cư trú để được tiêm phòng đầy đủ.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HBA) mới đây đã kiến nghị ngành chức năng cho phép công nhân là F1 có kết quả xét nghiệm âm tính được đi làm. Một trong những nguyên nhân là do doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn hàng ngày càng nhiều và nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, biến chủng Omicron lây nhiễm nhanh nhưng nhanh khỏi, ít có trường hợp chuyển nặng. Do vậy, Hiệp hội đề xuất công nhân lao động có nguy cơ là F1 được đi làm sau khi xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính; đồng thời thực hiện khai báo cơ quan y tế, doanh nghiệp, thực hiện 5K và giữ khoảng cách trên 2m với mọi người trong suốt quá trình sản xuất cũng như ở tại cộng đồng cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của ngành Y tế.

Về vấn đề này bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện chưa có ý kiến từ Bộ Y tế, Thành phố tiếp tục thực hiện cách ly, quản lý F1 theo quy định. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, trường hợp F1 đáp ứng điều kiện theo định nghĩa của Bộ Y tế không nhiều. Việc cách ly F1 vẫn là biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả và là một trong những biện pháp giảm tải cho ngành Y tế nhằm giảm số ca mắc, hạn chế trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 7/3, tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố được xác định (theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế) là 2.121 ca và 4.329 ca test nhanh nghi ngờ phải thực hiện cách ly, chăm sóc, điều trị. Trường hợp F1 tiêm đủ 3 liều vaccine phòng COVID-19 thực hiện cách ly 5 ngày, F1 chưa tiêm đủ liều cách ly 7 ngày và sau khi xác nhận âm tính sẽ được dỡ bỏ cách ly./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục