'TP.HCM đã đi nhanh hơn cả nước 5 năm về công nghệ thông tin'

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao vai trò, tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh trong sự phát triển công nghệ thông tin.
'TP.HCM đã đi nhanh hơn cả nước 5 năm về công nghệ thông tin' ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ Thông tin và Truyền thông cần lên kế hoạch hợp tác, chọn các doanh nghiệp xây dựng chiến lược số hóa cho thành phố giai đoạn từ nay đến 2025.

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2019-2020 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra sáng 16/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hợp tác, hỗ trợ thành phố trong hoạt động cung cấp cơ sở, dữ liệu thông tin, viễn thông và công tác quản lý ngành.

Thành phố xây dựng chính quyền điện tử nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ cho phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, người dân được cung cấp dịch vụ toàn diện hơn, chính quyền phục vụ tốt hơn và giúp người dân trở thành chủ thể tham gia quản lý...

Trên cơ sở yêu cầu và tính đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ thành phố trong quá trình xây dựng 4 trụ cột của Đề án đô thị thông minh và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Bên cạnh đó, giúp thành phố các vấn đề pháp lý liên quan đến đấu thầu thuê dịch vụ; hỗ trợ trong lĩnh vực quản lý thông minh, thiết bị thông minh, dự báo an toàn thông minh phục vụ phát triển Khu đô thị sáng tạo phía Đông.

Các đơn vị của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin sớm đưa ra danh mục vấn đề cần hợp tác ở lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để triển khai nghiên cứu, áp dụng vào cuộc sống.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao vai trò, tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh trong sự phát triển công nghệ thông tin. Bộ trưởng cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đi trước cả nước ít nhất 5 năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông (ICT).

Bộ Thông tin và Truyền thông luôn xác định Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu trong lĩnh vực ICT của cả nước, nền tảng của phát triển thương mại điện tử trong tương lai và là trung tâm đi đầu về áp dụng ứng dụng an ninh mạng của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần sử dụng công nghệ để giải quyết yêu cầu, nhiệm vụ, thành phố cần đặt mục tiêu, tầm nhìn cao và cụ thể hơn. Ví dụ như đến năm 2020 phải phủ sóng 5G tại các khu công nghệ cao, khu nghiên cứu, các trường đại học; 100% dịch vụ công chuyển sang giải quyết trực tuyến cấp độ 4…

Thành phố cần tập trung phát triển doanh nghiệp công nghiệp số; lập kế hoạch phát triển hạ tầng ITC, mạng 5G cho thành phố. Thành phố quan tâm đầu tư nhiều hơn cho phát triển ITC, nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển thông tin và truyền thông.

Theo ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Chương trình hợp tác giai đoạn 2019-2020, hai bên đã đạt được những kết quả tích cực.

Chiến dịch bóc gỡ mã độc khỏi máy tính giai đoạn 1 đã mang lại hiệu quả nhất định, thể hiện sự phối hợp tốt giữa Cục An toàn thông tin và Sở Thông tin và Truyền thông; phối hợp triển khai Kiến trúc chính quyền điện tử tại thành phố theo đúng các hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việc phát triển thành viên mới cho chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung đã có bước tiến rõ nét. Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp lập kế hoạch và triển khai rà soát, tháo gỡ mã độc giai đoạn 2; triển khai thí điểm IoT cho một số khu vực như Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung; có cơ chế sandbox (kỹ thuật bảo mật) cho Khu công nghệ cao và Khu Công viên phần mềm Quang Trung hoặc thử nghiệm một số công nghệ mới…

Hai bên cũng tập trung phối hợp giải quyết một số vướng mắc còn tồn tại thời gian qua như phân cấp cho thành phố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trang thông tin điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, hiệu quả tham mưu của Sở Thông tin và Truyền thông…

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông như Viettel, VNPT, MISA, BKAV… đại diện các cục, đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành của thành phố đã trao đổi về yêu cầu, phương hướng hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục