TP.HCM: Gỡ khó về thuế cho doanh nghiệp ổn định sản xuất

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của Cục Thuế thành phố cho thấy có khoảng 255.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 97,35% trên tổng số doanh nghiệp trên địa bàn được thụ hưởng chính sách giãn thuế.
Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc của Công ty TNHH một thành viên Lương thực Hồ Chí Minh thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc của Công ty TNHH một thành viên Lương thực Hồ Chí Minh thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động đến tất cả các hoạt động kinh tế, việc Chính phủ ban hành các gói cứu trợ, từ chính sách tài khóa đến tài chính đã góp phần củng cố niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện một số chính sách thuế cũng đang gặp vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện, cần sớm được giải quyết để giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Đầu tháng Tư vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 41/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất sẽ được gia hạn tối đa 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của Cục Thuế thành phố cho thấy có khoảng 255.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 97,35% trên tổng số doanh nghiệp trên địa bàn được thụ hưởng chính sách này.

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện cơ quan thuế đang thực hiện khoanh nợ cho các doanh nghiệp trong thời gian từ tháng Ba vừa qua đến tháng Sáu tới theo quy định của Nghị định 41/NĐ-CP. Ước tính, số tiền được khoanh nợ khoảng 40.000 tỷ đồng.

Việc khoanh nợ sẽ không phát sinh thêm các khoản chậm nộp. Từ nay đến 30/7 tới, doanh nghiệp gửi đơn xin gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất sẽ được cơ quan thuế tự động gia hạn. Cũng trong khoảng thời gian này, cơ quan thuế sẽ không gây bất kỳ áp lực nào cho doanh nghiệp trong việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, ông Minh nói.

[Cơ quan thuế nhận Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế đến hết ngày 30/7]

Theo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài đối tượng doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố có 43.000 hộ kinh doanh, tiểu thương đang gặp nhiều khó khăn do COVID-19 cũng được gia hạn nộp thuế. Từ tháng Ba vừa qua đến hết tháng 12 tới, các đối tượng này sẽ được khoanh nợ, không phát sinh các khoản chậm nộp để có thêm nguồn lực tài chính ổn định tình hình sản xuất kinh doanh.

Trước đó, Cục Thuế đã có tài liệu hướng dẫn chi tiết về điều kiện và thủ tục gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất gửi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham khảo tiếp cận. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 41 được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực. Đây là giải pháp hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay; giải quyết phần nào bài toán về dòng tiền để dành nguồn lực tập trung duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều cho rằng việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất với thời gian tối đa 5 tháng là chưa đủ; đồng thời, đề xuất kéo dài thời gian gia hạn lên 12 tháng, thay vì 5 tháng như quy định.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng này khiến sản xuất kinh doanh của 70-80% doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng do phải lệ thuộc vào các thị trường xuất khẩu. Khi đó, việc giãn thời gian nộp thuế chưa đủ để tác dụng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất cho phép miễn giảm 50% thuế giá trị gia tăng, 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân và áp dụng cho năm 2020. Đây là những giải pháp về chính sách tài khóa hiệu quả, thiết thực và cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài chính sách liên quan đến giãn thuế và tiền thuê đất, một số đơn vị đề xuất "cởi trói" chính sách cũ về thuế đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động.

Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp trong nước. Nghị định 20 ban hành nhằm chống tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, khi áp dụng các doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn không bị tác động mà lại ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng điều này vô tình "giết chết" các doanh nghiệp, nhất là mô hình công ty mẹ-con; trong khi đây là mô hình đang rất phát triển ở Việt Nam.

Mặc dù mới đây, dự thảo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết có nội dung hoàn thuế giao dịch liên kết đã thu trong các năm 2017-2018 được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, tuy nhiên đây mới chỉ là thông tin trên truyền thông.

Do vậy, Chính phủ phải có giải pháp kịp thời để doanh nghiệp không bị thiệt hại trong hoạt động kinh doanh, có chi phí hợp lý và hợp lệ để quản lý chống chuyển giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục