Tro bụi núi lửa Calbuco ảnh hưởng tới 1/2 vùng Nam Mỹ

Tro bụi núi lửa Calbuco ảnh hưởng tới một nửa khu vực Nam Mỹ

Các chuyên gia của Vụ địa chất và Mỏ quốc gia Chile cho biết núi lửa vẫn trong trạng thái bất ổn và sẽ tiếp tục phun tro bụi.
Tro bụi núi lửa Calbuco ảnh hưởng tới một nửa khu vực Nam Mỹ ảnh 1Núi lửa Calbuco vẫn trong trạng thái bất ổn. (Nguồn: AFP/TTXVN )

Tại Chile, giới chức nước này đã hạ cảnh báo nguy hiểm sau khi cường độ hoạt động của núi lửa Calbuco giảm và ít khả năng phun trào dung nham. Tuy nhiên, ngày 25/4, núi lửa vẫn tiếp tục phun tro bụi khiến thêm nhiều chuyến bay phải hủy bỏ.

Các chuyên gia của Vụ địa chất và Mỏ quốc gia Chile cho biết núi lửa vẫn trong trạng thái bất ổn và sẽ tiếp tục phun tro bụi.

Giới chức yêu cầu người dân trong vùng tiếp tục đeo khẩu trang để phòng hít phải bụi, đồng thời tránh uống nước lấy trên mặt nước sông suối có thể bị nhiễm độc do tro bụi núi lửa.

Khoảng 1.500 người dân ở Ensenada, thị trấn gần núi lửa Calbuco nhất, đã được phép quay lại nhà để lấy các vật dụng cần thiết và dọn dẹp một số thiệt hại do tro bụi gây ra.

Người dân cũng lo lắng việc chăn nuôi gia súc, nguồn thu nhập chính của nhiều khu vực ở Los Lagos, do đàn bò có thể ăn phải tro núi lửa và nhiễm độc khi khu vực này đang ngập chìm trong lớp tro bụi dày từ 40-50 cm, nhiều nơi dày đến 1 m.

Bên cạnh đó, nghành nuôi cá của khu vực này cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Bộ trưởng Nội vụ Chile Rodrigo Penailillo, người đang có chuyến thị sát khu vực bị ảnh hưởng, cho biết chính phủ sẽ đền bù cho những gia đình nông dân bị thiệt hại do thiên tai.

Tro bụi từ núi lửa Calbuco đã ảnh hưởng tới một nửa khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là Argentina. Nhiều chuyến bay ở nhiều thành phố, thậm chí ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, cách Calbuco 2.000 km, đã bị hủy.

Núi lửa Cabulco bắt đầu "thức giấc" từ ngày 22/4 và phun những cột tro bụi hình nấm cao tới 20 km. Chile đã ngay lập tức ban bố báo động đỏ và sơ tán khoảng 6.500 người dân trong vòng bán kính 20 km xung quanh núi lửa. Cho tới nay vẫn chưa có báo cáo nào liên quan đến thiệt hại về người.

Lần cuối cùng Calbuco hoạt động là vào năm 1972, trong khi lần phun trào mạnh cuối cùng của núi lửa này là hồi năm 1961. Chile là quốc gia có nhiều núi lửa thứ hai thế giới, sau Indonesia, với hơn 2.000 núi lửa, trong đó khoảng 500 núi lửa hiện vẫn đang cháy âm ỉ và có dấu hiệu hoạt động trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục