Từ vụ Việt Á, giám sát quyền lực để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Qua phân tích hàng loạt vụ đại án tham nhũng trong thời gian qua, gần nhất là vụ Việt Á, cho thấy hệ thống giám sát quyền lực của chúng ta có thể đầy đủ nhưng hoạt động chưa tốt, còn lỏng lẻo, sơ hở.
Khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Lò Văn Chiến - Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La về hành vi nhận hối lộ. (Ảnh: TTXVN)

Những ngày qua, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã nhắc đến vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Câu hỏi mà nhiều đại biểu đưa ra là giám sát quyền lực như thế nào để trong tương lai không có “những vụ Việt Á khác."

Quy chuẩn chặt chẽ

Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức quan tâm tới đội ngũ cán bộ cấp chiến lược (cán bộ cấp cao, diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý), bởi đây là những người tham gia trực tiếp vào việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước; trực tiếp tổ chức ở tầm vĩ mô việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngày 2/1/2020, Bộ Chính trị khóa XII đã ra Quy định số 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Tiếp đến, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII (từ ngày 25/1 đến 2/2/2021) nêu ra một số tiêu chuẩn cao hơn dành cho cán bộ cấp chiến lược so với tiêu chuẩn chức danh cụ thể đã được nêu trong Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Về chính trị, tư tưởng, các cán bộ cấp chiến lược phải không ngừng nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trí tuệ và tính chiến đấu; luôn tiên phong, gương mẫu; có khát vọng góp phần cùng từng ngành, từng địa phương và cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa nước ta vươn lên trở thành nước phát triển vào năm 2045; có ý chí, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung...

Về đạo đức, lối sống, cán bộ cấp chiến lược phải thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình; luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; tự mình phòng, tránh và đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ...

Đặc biệt, cán bộ cấp chiến lược phải nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ; thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu...

Về năng lực và uy tín, cán bộ cấp chiến lược cần có năng lực nổi bật trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; có năng lực dự báo và ứng phó với các thách thức, diễn biến rất nhanh, khó lường của tình hình trong nước, thế giới, trên cơ sở bám sát và xuất phát từ thực tiễn; có năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng...

Nhưng vẫn còn những “tấm gương mờ”

Ngoài năng lực trong lãnh đạo, chỉ đạo thì đạo đức, lối sống của cán bộ cấp chiến lược có tầm ảnh hưởng chính trị và xã hội to lớn. Ngược lại, những sai phạm của cán bộ lãnh đạo lại tác động tiêu cực không nhỏ đối với uy tín của Đảng và niềm tin của người dân. Đáng tiếc là trên thực tế trong thời gian qua đã xuất hiện một số “gương mờ."

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo hình thức trực tuyến (ngày 9/12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Hệ thống chính trị ở nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn; không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vẫn sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự.”

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số cán bộ bị xử lý hình sự. Từ đầu Đại hội XIII của Đảng đến nay (18 tháng), có gần 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 3 Ủy viên Trung ương đương nhiệm bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Riêng năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).

Liên quan đến vụ Việt Á, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật cảnh cáo đối với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Lực lượng chức năng tới Trụ sở Bộ Y tế thực hiện việc khám xét nơi làm việc của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ Y tế, nhận mức kỷ luật khiển trách.

Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật đối với Trung tướng Đỗ Quyết (Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quân y); Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự (Học viện Quân y) bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025.

Mới đây nhất, ngày 6/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp bất thường để xem xét kỷ luật và quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Giám sát chặt chẽ quyền lực

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng (ngày 9/12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có, hoặc có nhưng chưa cụ thể, thực hiện chưa nghiêm.

Bên cạnh cơ chế kiểm soát quyền lực, việc phát huy dân chủ ở cơ sở cũng đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội), nếu nguyên tắc dân chủ ở cơ sở được thực hiện đúng, thông tin được công khai thì công tác quản lý nhà nước sẽ hiệu quả, tránh được những sai phạm, làm mất hàng loạt cán bộ, điển hình như vụ Việt Á.

[Làm tốt dân chủ cơ sở sẽ tránh được những vụ việc tương tự Việt Á]

Còn theo Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), trong giai đoạn vừa qua chúng ta đã đấu tranh, xử lý tham nhũng rất mạnh, rất quyết liệt và đạt kết quả. Nhưng còn một vế quan trọng là phòng ngừa để hành vi tham nhũng không xảy ra hoặc ít xảy ra hơn thì chúng ta chưa làm được nhiều, mà phòng ngừa mới là điều quan trọng, căn cơ, lâu dài. Vì thế, công tác phòng ngừa phải làm ngay và làm quyết liệt như đấu tranh, xử lý các hành vi tham nhũng bị phát hiện.

Việc phân tích hàng loạt vụ đại án tham nhũng trong thời gian vừa qua, gần đây nhất là vụ Việt Á, cho thấy hệ thống giám sát quyền lực của chúng ta có thể đầy đủ, từ thanh tra, kiểm tra, nội chính, tổ chức cán bộ, nội vụ… song hệ thống này hoạt động chưa tốt, còn lỏng lẻo, sơ hở.

Trong điều kiện chúng ta thực hiện đường lối đổi mới, bước vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, một bộ phận quan chức đã không vượt qua được cám dỗ vật chất, dẫn tới “nhúng chàm."

Bản chất của tham nhũng là sự tha hóa quyền lực, khi một bộ phận quan chức không vượt qua được chính mình, lạm dụng quyền lực được giao để mưu lợi cá nhân. Vì vậy, để phòng ngừa tham nhũng thì phải giám sát chặt chẽ quyền lực. Quyền lực đến đâu thì giám sát đến đó. Vì quyền lực mà không giám sát sẽ tha hóa. Giao quyền lực cho cán bộ, công chức mà không giám sát chặt chẽ thì quan chức sẽ dễ lạm dụng, biến công quyền thành tư quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục