Chiều 23/3, Cục phòng chống HIV/AIDS, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và tổ chức phi lợi nhuận quốc tế PATH tổ chức hội thảo để ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trực tuyến nhằm tăng cường tiếp cận thông tin và dịch vụ liên quan tới HIV cho nhóm nguy cơ cao mắc bệnh này.
Nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận sôi nổi tại hội thảo như làm thế nào để tận dụng sự phát triển của truyền thông xã hội, ứng dụng di động và thương mại điện tử tại Việt Nam, nhằm đóng góp cho việc đạt mục tiêu 90-90-90 đã cam kết và loại trừ HIV ở Việt Nam vào năm 2030.
[Bộ Y tế đề xuất quyền lợi bảo hiểm y tế của người có HIV]
Tiến sỹ Phan Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho hay, hơn 50% người dân Việt Nam tiếp cận với internet và phần lớn đang sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, việc tìm những cách làm sáng tạo để tiếp cận họ thông qua các kênh truyền thông xã hội mới và lồng ghép hỗ trợ dịch vụ HIV trong thời đại kỹ thuật số.
Tại hội thảo, ông Lê Minh Thành - Giám đốc doanh nghiệp xã hội Thành Danh chia sẻ: “Cộng đồng trực tuyến của chúng tôi trên truyền thông xã hội có một không gian an toàn để những người có nguy cơ nhiễm HIV học hỏi, trao đổi về tình dục an toàn, về dịch vụ như tự xét nghiệm HIV... Qua trực tuyến chúng tôi có thể tiếp cận nhiều người hơn, đặc biệt là những đối tượng ngại thảo luận về các chủ đề này công khai. Sau đó, chúng tôi kết nối họ với dịch vụ.”
Chẳng hạn như, họ sẽ được đặt lịch hẹn trực tuyến để kết nối những người có nguy cơ nhiễm HIV trực tiếp với dịch vụ, hưỡng dẫn họ đến với cửa hàng thương mại điện tử của hệ thống để mua bao cao su, chất bôi trơn, giúp họ tuân thủ dự phòng trước phơi nhiễm lâu dài thông qua ứng dụng iPrEP trên điện thoại di động.
Tiến sỹ Kimberly Green - Giám đốc dự án USAID/PATH Healthy Markets cho biết, truyền thông trực tuyến mang lại cơ hội tiếp cận những cá nhân có nguy cơ cao, những người thường không tiếp cận với dịch vụ HIV trước đó. Việc gắn kết người dùng qua Facebook và ứng dụng mạng xã hội như Grindr và khai thác dữ liệu lớn cho phép tiếp cận nhanh đến hàng trăm ngàn người.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, HIV/AIDS được phát hiện cách đây 25 năm với 250.000 trường hợp nhiễm và hơn 90.000 người tử vong. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện mới./.