Khẳng định phụ nữ có vai trò “tiên phong” trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến cộng đồng do phụ nữ khởi xướng nhằm trao quyền năng về kinh tế cho phụ nữ ở các vùng, ngành, nghề dễ bị tổn thương cũng như tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vẫn còn những định kiến về giới
Tại hội thảo “Phụ nữ Việt Nam tham gia hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai,” sáng 9/11, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người.
Đến nay, bình đẳng giới và biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai được quan tâm trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là cách tiếp cận trong các can thiệp về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những định kiến giới đối với vai trò, năng lực và đóng góp của phụ nữ trong các hoạt động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
[Những tấm gương phụ nữ vượt khó trong ứng phó với thiên tai]
Theo bà Hương, nữ giới và nam giới đều cần được nhìn nhận không chỉ là “nạn nhân” của các tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai mà mà còn là những tác nhân tích cực tạo ra sự thay đổi khi họ tham gia tích cực vào việc quản lý tài nguyên, canh tác hiệu quả ở quy mô hộ gia đình cũng như đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng; góp phần thực hiện các kế hoạch, chiến lược của ngành và các cam kết của quốc gia trong giảm phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp...
Cùng chung quan điểm, bà Đinh Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng nhấn mạnh giới và biến đổi khí hậu là nội dung xuyên suốt trong chương trình nghị sự của COP19 vào năm 2013 đến nay. Tại COP25 năm 2019 tại Tây Ban Nha, các quốc gia cũng đã thông qua chương trình làm việc Lima 5 năm nâng cao về bình đẳng giới, kế hoạch hành động về giới.
Kế hoạch trên cho thấy bình đẳng giới là điều kiện cần thiết cho các quốc gia thực hiện Kế hoạch thích ứng quốc gia và NDC của mình. Đây cũng là cơ hội cho các quốc gia có đóng góp sáng kiến, ý tưởng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Tại Việt Nam, phụ nữ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn là lực lượng tiên phong trong giảm thiểu khí nhà kính khi áp dụng các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Tuy vậy, bà Hằng cũng lưu ý nhiều nghiên cứu cho thấy sự tham gia của phụ nữ còn gặp nhiều rào cản về công nghệ kỹ thuật, năng lực, truyền thông và tài chính trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Phụ nữ thường có nhiều hạn chế hơn trong tiếp cận thông tin, tài chính và ít cơ hội học hỏi, nắm bắt sớm các biện pháp ứng phó…
“Do vậy, tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thực hiện các chính sách như NDC là tiền đề quan trọng thúc đẩy và tạo điều kiện cho phụ nữ trong các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai; giúp cho phụ nữ phát huy tốt nhất vai trò của mình trong thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh một cách sáng tạo,” bà Hằng nhấn mạnh.
Cần trao quyền chủ động cho phụ nữ
Với tầm quan trọng trên, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tăng cường và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động lồng ghép giới, biến đổi khí hậu; trong đó tập trung vào chủ đề bảo vệ nguồn nước, quản lý rác thải.
Đặc biệt, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng và Mạng lưới Phụ nữ tiên phong thích ứng biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy các sáng kiến cộng đồng do phụ nữ khởi xướng nhằm trao quyền năng về kinh tế cho phụ nữ ở các vùng, ngành nghề dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và thiên tai; tăng cường tiếng nói của phụ nữ và sự tham gia của phụ nữ trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên phương diện là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định bình đẳng giới hiện nay không chỉ là một quyền cơ bản của con người, mà còn là một nền tảng cần thiết cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững.
Minh chứng là trong khuôn khổ COP26 tổ chức từ ngày 30/10 đến 12/11, lần đầu tiên sẽ có ngày được chọn là Ngày về giới, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Điều này cho thấy đây là vấn đề quan trọng đối với tất cả các nước trên thế giới.
Với tầm quan trọng đó, bà Hương cho biết Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ luôn động, tích cực tuyên truyền nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai; xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp, đóng góp xây dựng và phản biện xã hội các chính sách thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của phụ nữ và bình đẳng giới.
Bà Gaelle Demolis, Quyền Trưởng đại diện của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cũng cho biết UN Women sẽ tích cực hỗ trợ các cơ quan Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức của phụ nữ nâng cao năng lực về lồng ghép giới trong thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường tiếp cận của phụ nữ tới sinh kế bền vững và sinh kế thay thế để có thể chống chịu với thiên tai; thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong việc ra quyết định về thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai.
Tại hội thảo, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ 28 tỉnh, thành phố và thành viên mạng lưới phụ nữ tiên phong thích ứng với biến đổi khí hậu trên toàn quốc cũng đã đưa ra một số khuyến nghị như: Cần xây dựng các chương trình tăng cường năng lực về kỹ thuật cho các tổ chức phụ nữ, phụ nữ cộng đồng, nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số về thích ứng biến đổi khí hậu; trao quyền năng về kinh tế cho phụ nữ ở các vùng, ngành nghề dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Một số ý kiến cũng đề xuất tìm kiếm và chia sẻ các chương trình, nguồn lực tài chính tới các đơn vị cơ sở, tổ chức cộng đồng, thành viên mạng lưới phụ nữ tiên phong thích ứng biến đổi khí hậu để lan toả các sáng kiến về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu có trách nhiệm giới, do phụ nữ khởi xướng./.