Theo các học giả người Campuchia, Cộng đồng ASEAN được thành lập vào cuối năm nay, sẽ giúp nâng tầm ảnh hưởng và uy tín của ASEAN trên trường quốc tế.
Phát biểu với Tân Hoa Xã, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia Chheang Vannarith cho biết ASEAN sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực; đồng thời thúc đẩy thành lập một cộng đồng khu vực ở Đông Á. ASEAN sẽ có sức ảnh hưởng mạnh hơn về mặt ngoại giao trên trường quốc tế.
Ông cho rằng các nước thành viên ASEAN sẽ được lợi từ việc hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN ở các cấp độ khác nhau. Bên cạnh đó, các nền kinh tế phát triển hơn sẽ được lợi hơn từ việc hội nhập kinh tế khu vực.
Ông Vannarith - hiện cũng là giảng viên ngành Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Leeds ở Anh, cho biết một số nước thành viên vẫn chưa sẵn sàng cho việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay bởi họ vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức như trì trệ trong việc thực hiện các cải cách pháp lý trong nước để phù hợp với lộ trình của ASEAN, khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, thể chế yếu kém, sự tham gia không tích cực của người dân và chủ nghĩa dân tộc ngày càng dâng cao.
Theo ông, hiện vẫn tồn tại khoảng cách phát triển giữa 6 nước thành viên kỳ cựu của ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan cùng 4 nước thành viên kết nạp sau là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Chính vì vậy, ASEAN cần cung cấp thêm trợ giúp để tăng cường khả năng cho các nước thành viên kém phát triển hơn.
Theo kế hoạch, ngày 31/12 tới là thời điểm thành lập Cộng đồng ASEAN, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một dòng chảy tự do các loại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động lành nghề trong khối.
Ông Mey Kalyan - cố vấn cấp cao của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tối cao, cho biết Campuchia đã sẵn sàng cho việc hội nhập ASEAN bởi về cơ bản Campuchia là một nền kinh tế mở cửa tự do và không có một ngành nghề cụ thể nào được bảo hộ.
Theo ông, AEC sẽ mở ra một thị trường khu vực với 600 triệu dân cho các sản phẩm của Campuchia được thâm nhập, thay vì chỉ 15 triệu người (dân số Campuchia hiện nay).
Ông Kalyan cho biết các nước ASEAN giàu có hơn và cộng đồng quốc tế phải có một chính sách “rộng lượng” với các nước nghèo hơn như Campuchia, với việc cung cấp trợ giúp trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, và xây dựng thể chế.
Ông Nguon Meng Tech, Tổng giám đốc Phòng Thương mại Campuchia, cũng cho rằng Cộng đồng ASEAN sắp tới sẽ là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Campuchia mở rộng thị trường, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn được xác định bởi các nước thành viên ASEAN khác./.