Theo hãng tin Pháp AFP, ngày 12/11, Thụy Điển bắt đầu hoạt động tái kiểm soát đường biên giới nhằm đối phó với dòng người di cư vẫn đang ồ ạt đổ về nước này.
Kể từ 18 giờ Việt Nam cùng ngày, cảnh sát Thụy Điển đã tiến hành kiểm tra giấy tờ tùy thân của các hành khách đi tàu đến nước này qua eo biển Oresund phân cách Thụy Điển với Đan Mạch, tuyến đường được cho là người di cư thường đi qua để vào Thụy Điển.
Thụy Điển đưa ra quyết định trên trong bối cảnh tâm lý chống người nhập cư và các cuộc tấn công nhằm vào người di cư đã gia tăng tại nước này trong thời gian qua.
Thụy Điển, quốc gia có 9,8 triệu dân, đã tiếp nhận số người tị nạn tính theo tỷ lệ dân số nhiều hơn so với các quốc gia châu Âu khác. Dự kiến, trong năm nay, quốc gia Scandinavia này sẽ tiếp nhận đến 190.000 người tị nạn, hơn gấp đôi lượng người tị nạn đến Thụy Điển trong năm ngoái.
Trong khi đó, Thủ tướng Slovenia Miro Cerar ngày 12/11 tuyên bố nước này chưa sẵn sàng tiếp nhận những người tị nạn quay lại từ các nước Trung Âu. Theo thỏa thuận Dublin, trong trường hợp các nước Trung Âu từ chối tiếp nhận người tị nạn, những người di cư sẽ trở lại các nước đã đăng ký cho họ vào khu vực Schengen. Hiện nay, Chính phủ Slovenia đang xem xét dự luật về vấn đề người di cư.
Tiếp tục nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Jordan và Liban. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, cả Jordan và Liban đều có số lượng người tị nạn lớn, chủ yếu từ Syria.
Trước đó, EU cũng đã quyết định sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 22/11 ở Brussels (Bỉ). Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Séc, ngoại trưởng các nước Bộ Tứ Visegrad (Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia) và Balkan ngày 12/11 cũng nhóm họp tại Praha nhằm thảo luận cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, bởi dòng người di cư chủ yếu đi qua khu vực Balkan để tới các nước EU.
Trong diễn biến liên quan, CH Séc dự kiến đóng góp 600.000 euro vào quỹ ủy thác trị giá 1,8 tỷ euro của EU nhằm hỗ trợ các nước châu Phi giải quyết những vấn đề được xem là nguyên nhân đẩy người dân châu lục này di cư sang châu Âu.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Bộ Tứ Visegrad đã quyết định đóng góp thêm 400.000 euro nữa (mỗi nước góp 100.000 euro) vào quỹ ủy thác nói trên. Bộ Tứ Visegrad cũng sẽ phái 300 người tham gia hoạt động của Cơ quan kiểm soát biên giới của EU (FRONTEX) và Cục chuyên gia châu Âu về giải quyết các vấn đề di cư và phối hợp hành động giữa các nước EU (EASO).
Về vấn đề phân bổ người tị nạn, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 12/11 cảnh báo với tốc độ như hiện nay, phải đến "đầu năm 2101" EU mới có thể kết thúc tiến trình phân bổ 160.000 người tị nạn từ Hy Lạp và Italy sang các nước thành viên khác mà liên minh này đã nhất trí hồi tháng 9 vừa qua./.