Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt bị hủy tư cách đại diện xin visa Nhật?

Một số doanh nghiệp nằm trong danh sách bị hủy tư cách đại diện xin visa Nhật bất ngờ và đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản làm rõ, nhằm tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp Việt Nam.
Một ngôi đền ở Nhật Bản. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Một ngôi đền ở Nhật Bản. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa ra thông báo danh sách 7 công ty du lịch Việt Nam bị “hủy bỏ tư cách,” và 1 công ty bị “đình chỉ có thời hạn” tư cách đại diện xin visa đoàn cho khách tham gia tour Nhật Bản "vì có vi phạm nghiêm trọng quy ước đã cam kết với Đại sứ quán Nhật Bản."

Trước công bố này, một số doanh nghiệp nằm trong danh sách bất ngờ và đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản làm rõ, nhằm tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp Việt Nam.

[Việt Nam đứng đầu tăng trưởng khách du lịch tới Nhật Bản]

Theo nôi dung thông báo của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đăng tải trên trang web của Đại sứ quán, từ ngày 1/7/2019 chính thức bỏ tư cách của 7 công ty du lịch khỏi danh sách đại diện xin visa đoàn cho khách tham gia tour Nhật Bản, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Du Lịch Việt (Viettourin., JSC); Công ty Cổ phần Du Lịch Quốc tế Golden Team Việt Nam; Công ty Cổ phần Lữ Hành Nam Cường (Nam cường Tourism Co., LTD); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Tân Hoàng Gia; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Quốc tế Hoàng Cầu; Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Du Lịch Thắng Lợi; Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - chi nhánh Hà Nội (Vietraver Hanoi) bị đình chỉ có thời hạn 6 tháng (từ ngày 1/7-2019 đến ngày 31/12/2019).

Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt bị hủy tư cách đại diện xin visa Nhật? ảnh 1Những năm gần đây, Nhật Bản là điểm đến được du khách Việt Nam rất yêu thích. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Vì sao Vietravel bị đình chỉ có thời hạn?

Những năm gần đây, Nhật Bản và Việt Nam có nhiều hoạt động và cam kết nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương, trong đó du lịch là lĩnh vực rất được coi trọng phát triển. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Nhật Bản thăm quan du lịch, Đại sứ quán Nhật Bản sẽ chỉ định cho một số công ty du lịch tại Việt Nam được đại diện xin cấp visa cho đoàn khách đi tour, trong đó có 8 công ty vừa nêu trên.

Theo quy định của Đại sứ quán Nhật Bản, các đơn vị được chỉ định sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản và việc luôn đảm bảo khách đi và về cùng đoàn, theo chương trình được định sẵn sẽ là điều kiện hết sức quan trọng để các đơn vị giữ được quyền đại diện xin cấp visa.

“Năm 2018, Công ty Du lịch Vietravel đã tổ chức cho hơn 566 đoàn với gần 17.000 du khách đến Nhật Bản du lịch. Trong đó, chi nhánh Vietravel Hà Nội đã có 3 khách không về lại cùng đoàn và 2 khách về sau đoàn, chiếm tỷ lệ 0,03% số khách đến Nhật Bản trong năm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc chi nhánh Vietravel Hà Nội bị Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tạm đình chỉ tư cách đại diện xin visa trong vòng 6 tháng, kể từ ngày 01/7/2019 theo như thông tin trên các báo,” ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc chi nhánh Vietravel Hà Nội cho hay.

Là một trong những thương hiệu hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam, đại diện Vietravel khẳng định đơn vị này luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng như các quy định của các nước sở tại. Mặc dù Vietravel luôn có những biện pháp nhằm ngăn chặn việc du khách ở lại sau tour, tuy nhiên năm 2018 vẫn có trường hợp khách không về cùng đoàn.

Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt bị hủy tư cách đại diện xin visa Nhật? ảnh 2Hướng dẫn viên Nhật Bản giới thiệu thông tin với du khách Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Chúng tôi cũng hiểu được việc du khách cố tình ở lại Nhật Bản nói riêng, các quốc gia khác nói chung không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chính khách du lịch Việt Nam, cả về hình ảnh cũng như sự khắt khe của các nước trong việc cấp visa du lịch. Do đó kể từ cuối năm 2018 đến nay, Vietravel đã tăng cường nhiều biện pháp hơn nữa để không xảy ra tình trạng như trên. Vì thế, trong hơn 11.000 lượt khách đến Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2019, phía công ty đã không ghi nhận bất cứ trường hợp nào ở lại sau tour,” ông Phạm Văn Bảy nói.

Về việc Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tạm đình chỉ tư cách đại diện nộp hồ sơ xin visa cho đoàn của Chi nhánh Vietravel Hà Nội, ông Bảy cho biết sẽ làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản để giải trình về vấn đề này. Hiện tại, việc tiếp nhận khách có nhu cầu đi du lịch Nhật Bản vẫn diễn ra bình thường trên toàn hệ thống của công ty.

Trước đó, Vietravel cũng vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với hai tỉnh Ibaraki và Fukushima (Nhật Bản) vào ngày 1/7 vừa qua, nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu, dịch vụ cũng như mở rộng toàn diện hơn các hoạt động du lịch tại thị trường Nhật Bản.

Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt bị hủy tư cách đại diện xin visa Nhật? ảnh 3Du lịch Nhật Bản cũng được truyền thông Việt Nam ưu ái. (Ảnh: CTV/Vietnam)

Đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam giải thích

Ở trường hợp khác, ngày 27/6 vừa qua, Đại sứ quán Nhật Bản có mời đại diện Công ty Cổ phần lữ hành Nam Cường đến làm việc với phòng thị thực của Đại sứ quán. Sau buổi gặp, phía Nhật Bản đã thông báo dừng hợp tác với công ty trên vai trò là doanh nghiệp lữ hành được chỉ định, do có 48 khách đi du lịch theo đoàn bỏ trốn từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2019.

Giám đốc Công ty Cổ phần lữ hành Nam Cường, ông Trương Tường Lân cho hay, công ty đã yêu cầu Đại sứ quán Nhật Bản cung cấp bằng chứng xác minh số lượng khách bỏ trốn. Tuy nhiên, phía Đại sứ quán trả lời không cung cấp được, đồng thời thông báo bổ sung là dừng luôn tư cách đơn vị ủy thác được chỉ định từ ngày 1/7/2019 và trả lại toàn bộ hồ sơ mà công ty đã nộp trước đó.

“Có trường hợp khách hàng chờ vài ngày nữa là bay nhưng bất ngờ bị hủy hồ sơ, vì vậy chúng tôi yêu cầu đại sứ quán tự giải thích với khách, nói rõ nguyên nhân trả lại hồ sơ. Tuy nhiên, đại sứ quán trả lời họ không làm việc này," ông Lân cho biết.

Sau 5 ngày, yêu cầu từ Công ty Cổ phần Lữ hành Nam Cường vẫn chưa được Đại sứ quán Nhật Bản hồi âm. Theo ông Lân, việc Đại sứ quán Nhật Bản không dùng bất cứ văn bản nào gửi đến công ty về việc ra thông báo chính thức dừng hợp tác mà chỉ thông báo bằng miệng và đăng tải thông tin lên trang web của Đại sứ quán và gửi tới cơ quan quản lý, báo chí là không chính thống.

Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt bị hủy tư cách đại diện xin visa Nhật? ảnh 4Đã có nhiều ký kết giữa một số tỉnh của Nhật Bản với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bởi, theo điều khoản thoả thuận giữa Đại sứ quán Nhật Bản với công ty ký ngày 14/12/2016 trong trường hợp kết thúc ủy thác hoặc nhận ủy thác thì “phải thông báo trước 1 tháng bằng văn bản có ghi rõ lý do cho phía đối phương.”

Nhiều đại diện công ty khác trong số 8 công ty nêu trên cũng đang rất bất ngờ về quyết định đột ngột từ Đại sứ quán Nhật Bản. Đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội xác nhận, cách đây vài ngày phía Đại sứ quán có gọi điện thông báo về việc này nhưng không có văn bản thông báo cụ thể lý do vi phạm.

“Qua rà soát lại, phía công ty cũng chưa phát hiện trường hợp khách du lịch bỏ trốn ở lại Nhật Bản, hoặc các vi phạm theo cam kết đã ký với Đại sứ quán Nhật Bản trước đó. Hiện công ty đang liên hệ phản hồi thông tin với phía Đại sứ quán Nhật để làm rõ,” vị đại diện này cho biết.

Tính đến thời điểm này, một số công ty du lịch đã gửi văn bản báo cáo sự việc tới Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) và Sở Du lịch Hà Nội đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý du lịch hỗ trợ doanh nghiệp làm rõ nội dung thông báo của Đại sứ quán Nhật Bản.

Hiện Tổng cục Du lịch cũng đã nhận được thông tin và đã có văn bản yêu cầu Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp cùng cung cấp thông tin để làm rõ vụ việc./.

Nôi dung biên bản ghi nhớ về việc ủy thác một phần nghiệp vụ visa giữa Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam với Công ty Cổ phần Lữ hành Nam Cường:

Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt bị hủy tư cách đại diện xin visa Nhật? ảnh 5

.

Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt bị hủy tư cách đại diện xin visa Nhật? ảnh 6
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục