Tết Chol Chnam Thmay là Tết cổ truyền của đồng bào Khmer ở Nam bộ, diễn ra vào các ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch hằng năm (vào năm nhuận sẽ có thêm ngày 13/4).
Từ bao năm qua, các hoạt động trong những ngày Tết được người Khmer ở Trà Vinh tổ chức tại các chùa luôn là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm.
Trong những ngày Tết, mỗi chùa sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, các hoạt động mua bán, ẩm thực diễn ra trong khuôn viên chùa rất nhộn nhịp.
Các điệu múa truyền thống của người Khmer như múa Rôbăm với những bộ trang phục đặc biệt cùng những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh luôn thu hút nhiều thanh niên tham gia.
Những bài hát Dù Kê, một loại hình sân khấu hát và múa của người Khmer, được các diễn viên tại địa phương biểu diễn rất đặc sắc, hấp dẫn người xem.
Lễ tắm Phật là phần nghi thức quan trọng nhất và cũng là phần Lễ cuối cùng trước khi kết thúc Tết Chol Chnam Thmay.
Sau ba hồi trống dài vang lên ở các ngôi chùa, các tượng Phật được lau sạch và mang ra trước một khoảng sân rộng. Mỗi người dân mang theo một bình nước thánh (nước sạch có bỏ hoa và dầu thơm) vào chùa để làm Lễ tắm Phật.
Sau đó, các Phật tử sẽ mang phần nước thánh còn lại về nhà thực hiện nghi thức tắm rửa cho các bậc sinh thành, thể hiện sự biết ơn công lao nuôi dưỡng của họ.
Tết Chol Chnam Thmay mang đậm dấu ấn tín ngưỡng Phật giáo của người Khmer thông qua các nghi thức, hoạt động tâm linh diễn ra xuyên suốt trong những ngày Tết. Một số nghi thức có thể khác nhau ở mỗi địa phương nhưng điều đó càng làm cho đời sống tinh thần của đồng bào Khmer ở vùng đất Tây Nam bộ thêm phong phú, đa dạng./.