Việt Nam "có thể tự hào" về tiến bộ trong thực thi quyền trẻ em

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers đánh giá Việt Nam có thể tự hào về những tiến bộ quan trọng trong việc thực thi quyền trẻ em.

Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức diễn ra sáng 23/11 tại Hà Nội.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, quy định các hành vi bị cấm, xâm phạm đến quyền trẻ em, quy định rõ nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt, trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm phối hợp thực hiện quyền trẻ em và có những quy định rất nhân văn, sự quan tâm đặc biệt đối với đối tượng trẻ em đặc biệt như: trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, khuyết tật, nhiễm HIV...

"Việt Nam đã có những chương trình hành động cụ thể để chống lại việc trẻ em bị bóc lột, bị xâm hại tình dục, bị mua bán, nghiện ma túy hay vi phạm pháp luật. Tại Việt Nam, cả nước đã thực hiện tốt tháng 6 là tháng hành động vì trẻ em," Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định.

Với những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần xác định rõ thực trạng, nguyên nhân tồn tại, hạn chế, cần bàn, đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại của trẻ em, bảo đảm nguyên tắc "dành những gì tốt nhất cho trẻ em, hướng tới tương lai."

[Bà Tòng Thị Phóng: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em]

Trong đó, cần quan tâm đến chính sách phát triển toàn diện trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến 8 tuổi; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến nhóm vị thành niên.

Đồng thời, cần lồng ghép các chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, nhất là trong kế hoạch trung hạn 5 năm sắp tới.

Trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được lồng ghép vào các nội dung y tế, giáo dục và chăm sóc sức khỏe giáo dục trẻ em.

"Nội dung này rất cần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền trẻ em và thực hiện quyền trẻ em vừa bảo đảm tính khả thi, đáp ứng tiến trình hội nhập nhưng cần tuân thủ Luật Trẻ em và Công ước về Quyền trẻ em có hiệu quả," Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội nghị, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cho biết, là quốc gia đầu tiên trong khu vực và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em, Việt Nam có thể tự hào về những tiến bộ quan trọng trong thực thi quyền trẻ em, đặc biệt là việc nội luật hóa các điều khoản và nguyên tắc của Công ước các bộ luật, chính sách và chương trình quốc gia.

Qua 3 thập kỷ từ khi Công ước được phê chuẩn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em.

Theo Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, thời gian tới Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào các nguyên tắc hướng dẫn của hiệp ước quốc tế về Quyền Trẻ em. Các nguyên tắc hướng dẫn làm Công ước có sức mạnh lớn hơn tất cả những điều khoản đã quy định.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận tại phiên thứ nhất với chủ đề Chính sách toàn diện trẻ em. Các đại biểu đã nghe và đóng góp ý kiến cho các tham luận về chính sách phát triển toàn diện trẻ em từ 0-8 tuổi, chính sách phát triển toàn diện đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển toàn diện trẻ em…

Tại phiên thứ hai với chủ đề Triển khai chính sách thực hiện quyền trẻ em, các đại biểu nghe các tham luận về lồng ghép chỉ tiêu về trẻ em trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội - thực trạng và định hướng cho giai đoạn 2021-2030; phân bổ ngân sách thực hiện quyền trẻ em - thực trạng và định hướng; phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục