Việt Nam đang trở thành lựa chọn mới của các doanh nghiệp Đức

Ngày càng nhiều công ty Đức ở châu Á đang tìm kiếm các giải pháp thay thế sau khi chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bị gián đoạn và Việt Nam hiện trở thành lựa chọn mới của các công ty Đức.
Việt Nam đang trở thành lựa chọn mới của các doanh nghiệp Đức ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo báo Tuần kinh tế (WIWO) của Đức ngày 29/5, do chính sách “Không COVID” nghiêm ngặt của Trung Quốc và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ngày càng nhiều công ty Đức ở châu Á đang tìm kiếm các giải pháp thay thế. Đáng chú ý, Việt Nam hiện trở thành lựa chọn mới của các công ty Đức.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn thông tin trên WIWO nêu rõ tại châu Á, nhiều công ty Đức nhận thấy Việt Nam có thể trở thành địa điểm sản xuất.

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, nói: "Kể từ khi Việt Nam mở cửa biên giới trở lại vào ngày 15/3, chúng tôi đã được các công ty quy mô vừa của Đức đến thăm hầu như hàng tuần để tìm kiếm địa điểm mới tại đây… Sau các tranh chấp thương mại với Mỹ, vấn đề chuỗi cung ứng và chính sách COVID-19 nghiêm ngặt, các công ty ở châu Á muốn phản ứng một cách linh hoạt hơn và một số công ty cũng đang âm thầm xem xét việc chuyển dịch sang Việt Nam.”

[Giới doanh nghiệp Đức kỳ vọng lớn vào sự hợp tác với Việt Nam]

Việt Nam có lợi thế về thuế quan nhờ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và là quốc gia châu Á duy nhất ngoài Singapore có hiệp định thương mại tự do với EU.

Trong một phân tích, Cơ quan Thương mại và đầu tư Đức (GTAI) tại Việt Nam viết: "Các công ty hoạt động trên phạm vi quốc tế đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và đang coi Việt Nam là địa điểm đầu tư."

GTAI lấy ví dụ về nhà sản xuất đồ chơi LEGO của Đan Mạch khi công ty này đã đầu tư trên 1,2 tỷ euro (1,29 tỷ USD) cho một nhà máy mới ở Việt Nam.

Trong khi đó, theo WIWO, tập đoàn Kärcher ở Winnenden (bang Baden-Württemberg) chuyên sản xuất máy móc và hệ thống làm sạch hàng đầu thế giới, cũng vừa quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất mới.

Hãng sản xuất các sản phẩm ép phủ bề mặt Kurz có trụ sở tại thành phố Fürth (bang Bayern) cũng vừa động thổ một cơ sở sản xuất mới tại Quy Nhơn. Công ty Magnetec ở Hessen cũng sẽ sản xuất tại Việt Nam.

Nhà sản xuất băng dính Tesa, công ty con một của tập đoàn Beiersdorf, hồi tháng 5/2020 cũng đã thông báo đầu tư 55 triệu euro (hơn 59 triệu USD), xây dựng một nhà máy mới ở Hải Phòng và dự kiến cơ sở này sẽ khai trương trong năm tới.

Theo ông Stefan Schmidt, Trưởng bộ phận chuỗi cung ứng và hoạt động của Tesa, Việt Nam có các điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của công ty.

Sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây là rất ấn tượng và ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng do COVID-19, Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định.

Ngoài ra, Việt Nam có quan hệ thương mại rất tốt với nhiều nước và nằm trong khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới là châu Á. Với nhà máy mới, từ Việt Nam, Tesa không chỉ có thể cung cấp sản phẩm tới Trung Quốc mà còn các nước như Thái Lan và Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục