Việt Nam thích ứng ra sao trong bối cảnh mới của du lịch toàn cầu?

Các quốc gia thích ứng ra sao trong bối cảnh mới của du lịch toàn cầu?

Mỗi nước đều đang có những kế hoạch và chiến lược riêng trong bối cảnh hậu đại dịch nhằm phục hồi nền kinh tế xanh. Tổ chức Du lịch thế giới dự đoán du lịch có thể phục hồi từ 50-70% trong năm 2022.
Mỗi quốc gia đều đã tìm cho mình chon đường riêng để phục hồi du lịch hậu COVID-19. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Mỗi quốc gia đều đã tìm cho mình chon đường riêng để phục hồi du lịch hậu COVID-19. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Chặng đường hậu COVID-19 đã mở ra những trang mới cho nền kinh tế xanh thế giới. Tính đến nay có khoảng gần 50 quốc gia mở cửa hoàn toàn và không còn các quy định hạn chế liên quan đến COVID-19, trong đó có Việt Nam.

Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch có thể phục hồi từ 50-70% trong năm 2022. Muốn đạt được con số phục hồi này, các nước đã và đang làm gì để nhanh chóng thích ứng và chuyển mình mạnh mẽ?

Các nước thích ứng ra sao trong tình hình mới?

Tại Hội nghị Cấp cao toàn cầu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) về du lịch cộng đồng mới diễn ra tại Maldives vừa qua, ông Faisal Naseem, Phó Tổng thống nước Cộng hòa Maldives cho biết Maldives là một trong những quốc gia có ngành du lịch phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.

[Vì sao năng lực phát triển du lịch Việt lọt top tốt nhất thế giới?]

Mặc dù còn đối mặt nhiều thách thức trong công cuộc bảo vệ môi trường, đổi mới và chuyển đổi số, đảm bảo bình đẳng và công bằng lợi ích cho các bên tham gia… nhưng hiện nay, Maldives đã có 107 khu nghỉ dưỡng đang được xây dựng và dự kiến 22 khu nghỉ dưỡng sẽ khai trương từ nay đến cuối năm 2023.

Quốc đảo ở Nam Á này vốn nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng đắt đỏ và sang trọng. Tuy nhiên, giới trẻ đang có xu hướng muốn được di chuyển và khám phá nhiều hơn, nên các mô hình du lịch cộng đồng và homestay đang dần được triển khai nhiều ở Maldives.

Các quốc gia thích ứng ra sao trong bối cảnh mới của du lịch toàn cầu? ảnh 1Du khách có xu hướng du lịch gần gũi thiên nhiên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Faisal Naseem cho biết định hướng của Maldives là phát triển trở thành điểm đến du lịch dễ tiếp cận hơn, công bằng về lợi ích và thân thiện với môi trường, nhằm đảm bảo du lịch trở lại mạnh mẽ, tiếp tục đóng vai trò là ngành kinh tế tạo ra việc làm tốt, thu nhập ổn định và bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên quốc gia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Du lịch quốc gia Malaysia lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo năng lực để làm sao mỗi người dân địa phương có thể trở thành một “người kể chuyện.” Malaysia cũng đề xuất có các chính sách phù hợp khuyến khích người trẻ tuổi ở lại địa phương và tham gia vào ngành du lịch, thay vì dịch chuyển tới các thành phố lớn.

Còn ở Nicaragua, du lịch là ngành quan trọng giúp nâng cao mức sống người dân, xóa đói giảm nghèo và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa cũng như di sản địa phương. Chính vì vậy Chính phủ Nicaragua ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của du lịch, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tiếp cận với tài chính và đầu tư, được đào tạo về công nghệ và quảng bá số.

Chọn đi lên từ chính những tiềm năng sẵn có, là quốc gia nằm ở Tây Á, Thứ trưởng Bộ Di sản Văn hóa, Thủ công và Du lịch Iran khẳng định, Iran có nguồn tài nguyên thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.

Theo đó, du lịch Iran sẽ tập trung vào bốn điểm mạnh là du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử. Bên cạnh đó, nước này đang phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng như: du lịch ngắm chim, du lịch nông thôn, du lịch sa mạc, du lịch ẩm thực…

Các quốc gia thích ứng ra sao trong bối cảnh mới của du lịch toàn cầu? ảnh 2Du khách thế giới muốn có những trải nghiệm và khám phá mới mẻ ở những điểm đến xanh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Con đường” của Việt Nam

Tham gia Hội nghị Ngành Du lịch Thế giới 2022 do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Diễn đàn Du lịch thế giới phối hợp tổ chức vừa qua, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định ở Việt Nam thời điểm này, các chính sách du lịch đã được khôi phục gần như trước đại dịch: không cách ly, không xét nghiệm COVID-19, không yêu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19, không khai báo y tế trước khi nhập cảnh.

Nhờ chính sách thông thoáng như vậy mà lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam sau khi mở cửa đã tăng trưởng nhanh chóng. Sáu tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 lượt, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành tăng 94,4% so với cùng kỳ 2021 do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là sự bùng nổ của du lịch nội địa trong quý 2 năm nay.

Lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam cho hay hậu đại dịch sẽ tập trung thúc đẩy du lịch an toàn, du lịch xanh, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng theo đúng chủ đề của Năm Du lịch quốc gia 2022 Việt Nam lựa chọn là “Điểm đến du lịch xanh.”

Hồi sinh nhanh chóng sau đại dịch, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đều đang dồn lực tái cơ cấu và đầu tư mới nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường. Theo đó, một số “cá lớn” ở Việt Nam cũng nhanh chóng chớp lấy thời cơ phục hồi với những “chiếc áo mới” cùng kế hoạch, chiến lược mạnh mẽ nhằm tăng tốc phát triển cho thị trường du lịch trong nước.

Các quốc gia thích ứng ra sao trong bối cảnh mới của du lịch toàn cầu? ảnh 3Sun Group đã tạo nên một biểu tượng mới cho du lịch Việt ở Đà Nẵng: Cầu Vầng. (Ảnh: TTXVN)

Ví dụ, Sun Group tiếp tục cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới đưa Bà Nà xứng tầm công viên chủ đề hàng đầu châu Á như: Cổng thời gian - sự kết hợp của âm nhạc, nước, sương mù; Lâu đài Mặt trăng mang kiến trúc châu Âu; Thác thần Mặt trời - một kiệt tác với hơn 40 bức tượng tinh xảo mang chủ đề Thần thoại Hy Lạp; hai rạp chiếu phim “airship” (phi thuyền) công nghệ thực tế ảo mở ra hành trình khám phá thể giới viễn tưởng ngoạn mục.

Tập đoàn này cũng mạnh dạn đầu tư thêm Công viên châu Á nghìn tỷ tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố. Từ năm 2023 đến 2025, Sun World Ba Na Hills sẽ triển khai các dự án gắn liền với yếu tố sinh thái, hướng tới thiên nhiên và gần gũi với môi trường.

Sau 25 năm tiên phong trong lĩnh vực du lịch, hàng không, du thuyền và khách sạn cũng như sở hữu nhiều thương hiệu du lịch nổi tiếng (như lữ hành HG Travel, du thuyền cao cấp Bhaya, Âu Cơ, Khu nghỉ dưỡng biển Lăng Cô), đại diện HG Holdings cho biết sẽ tiếp tục tập trung phát triển những sản phẩm du lịch mang nhiều giá trị trải nghiệm, hướng tới việc chữa lành và chăm sóc sức khỏe, tôn trọng sự vận hành tự nhiên của trời đất và cam kết phát triển bền vững. Những sản phẩm đang được thử nghiệm phải kể đến như Yoga Cruise Halong, Wellness resort Hoi An

Hiện tại, HG Holdings đang triển khai dự án du lịch nghỉ dưỡng và du thuyền tại Hội An - một trong những điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam và không ít lần lọt top những điểm đến hàng đầu châu Á, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý 2 năm 2023.

Các quốc gia thích ứng ra sao trong bối cảnh mới của du lịch toàn cầu? ảnh 4Các doanh nghiệp du lịch đã và đang thiết kế các chương trình chuyên biệt dành riêng cho những du khách muốn trải nghiệm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch HG Holdings chia sẻ: “Trên nền tảng các dự án được xây dựng hài hòa với thiên nhiên, Lunimary Wellness (một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về các sản phẩm du lịch chăm sóc tâm-thân-trí) sẽ là đối tác của HG Holdings để xây dựng sản phẩm mềm và quản lý toàn bộ quy trình hoạt động dựa trên nền tảng lấy sức khỏe tinh thần của khách hàng làm trọng tâm.”

“Cái bắt tay” giữa hai “cá lớn” này nhằm tiên phong thiết kế các chương trình chuyên biệt dành riêng cho những du khách muốn trải nghiệm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe độc đáo và hữu ích.

Hướng đi mới cho sản phẩm du lịch cao cấp cùng việc các tập đoàn kinh tế, sản xuất chuyển hướng đầu tư phát triển du lịch là tín hiệu vui cho sự hồi sinh của du lịch Việt Nam lấy đà bứt phá, xác lập vị trí điểm đến mới trên bản đồ du lịch sang trọng trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục