VietinBank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi nền kinh tế

VietinBank đã thực hiện giảm lãi suất với 1.591 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng dư nợ được xem xét giảm lãi suất là 41.364 tỷ đồng.
VietinBank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi nền kinh tế ảnh 1Giao dịch tại VietinBank. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế-xã hội trong quý 1, đặc biệt một số ngành lĩnh vực kinh tế còn chịu ảnh hưởng tác động kép bởi thiên tai do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã triển khai nhiều giải pháp để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân và chung tay hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Bám sát Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, ban lãnh đạo VietinBank đã chủ động rà soát danh mục tín dụng, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới khách hàng và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng hành, chia sẻ, khắc phục khó khăn cho khách hàng.

[VietinBank giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng]

VietinBank đã chủ động triển khai chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước đây; miễn, giảm lãi, cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản theo tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN; miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng, đặc biệt với nhóm ngành ưu tiên khuyến khích.

Tính đến 15/4, VietinBank đã thực hiện giảm lãi suất với 1.591 khách hàng với tổng dư nợ được xem xét giảm lãi suất là 41.364 tỷ đồng và có hơn 2.543 khách hàng doanh nghiệp tham gia chương trình ưu đãi miễn, giảm phí.

Việc đã và đang tiếp tục triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp; miễn giảm lãi đối với các khoản vay hiện hữu của khách hàng gặp khó khăn, triển khai các chương trình ưu đãi phí bao gồm cả phí chuyển tiền ngoài hệ thống, phí tài trợ thương mại… sẽ ảnh hưởng tới thu nhập lãi, thu nhập từ phí của VietinBank, từ đó tác động tới lợi nhuận của ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính quý 1, lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế 3 tháng năm 2020 giảm 5,66% so với cùng kỳ năm 2019.

Kết quả hoạt động kinh doanh của VietinBank nằm trong kế hoạch đã được tính toán đến việc dành nguồn lực để hỗ trợ cho khách hàng và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. VietinBank  tiếp tục chủ động thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo lộ trình, chiến lược kinh doanh năm 2020 và kế hoạch kinh doanh trung hạn đã đề ra.

Trong giai đoạn khó khăn, VietinBank đã triển khai chủ động và đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong cải tiến quy trình nội bộ và quy trình cung cấp sản phẩm, hướng tới đơn giản hóa, tinh gọn quy trình, thủ tục, hồ sơ. Ngân hàng cũng tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận thuận lợi, sử dụng đầy đủ, kịp thời các dịch vụ ngân hàng an toàn, hiện đại với chất lượng tốt; quản trị tốt chi phí hoạt động, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động.

Từ đó, hiệu quả quản trị chi phí của VietinBank liên tục cải thiện trong những năm gần đây, tỷ lệ Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) đã giảm xuống mức 31,05% trong quý 1, mức thấp nhất của VietinBank từ trước tới nay và cũng là mức thấp nhất trong hệ thống ngân hàng, phản ánh nỗ lực của ngân hàng trong việc tiết giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Từ nay tới cuối năm, nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực phục hồi và tăng trưởng, Ban lãnh đạo VietinBank cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp và cá nhân, chung tay cùng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi hết dịch bệnh, thiên tai và tiếp tục cung ứng sản phẩm dịch vụ toàn diện đến khách hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục