Virus Nipah liệu có gây ra đại dịch tiếp theo trên thế giới?

Đợt bùng phát dịch bệnh do virus Nipah gây ra gần đây ở Ấn Độ đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta có nên bắt đầu coi loại virus này như một mối đe dọa trong tương lai và tìm cách xây kho "vũ khí phòng vệ."
Virus Nipah liệu có gây ra đại dịch tiếp theo trên thế giới? ảnh 1Dơi Pteropodidae là loài mang virus Nipah. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng livemint.com, hậu quả nghiêm trọng và tàn khốc của đại dịch COVID-19 chắc chắn đã trở nên tồi tệ hơn do thiếu sự chuẩn bị kỹ càng để đối phó đại dịch, ngoại trừ khu vực Đông Á và Đông Nam Á, nơi các quốc gia đã xây dựng được "hệ thống phòng thủ" cho riêng mình sau khi phải trải qua dịch SARS vào năm 2003.

Vì vậy, điều quan trọng là các chính phủ cần bắt đầu phát triển các chiến lược để bảo vệ người dân nếu các loại virus gây chết người khác xuất hiện.

Đợt bùng phát dịch bệnh do virus Nipah gây ra gần đây ở Ấn Độ đã đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta có nên bắt đầu coi loại virus này như một mối đe dọa trong tương lai và tìm cách xây dựng kho "vũ khí phòng vệ" ngay từ bây giờ hay không?

Việc nhanh chóng tìm ra vaccine ngừa COVID-19 đã mở ra một con đường giúp thế giới thoát khỏi đại dịch này. Vì vậy, nếu vaccine ngừa các loại virus nguy hiểm tiềm ẩn khác có thể được phát triển và dự trữ, chúng có thể được tung ra ngay khi phát hiện bất kỳ ổ dịch mới nào.

Như vậy, chúng ta có thể tránh được một đại dịch khác. Cách tiếp cận này rất đáng khen ngợi, nhưng nó được phát triển dựa trên giả định rằng chúng ta có thể xác định trước các loại virus có khả năng gây ra đại dịch, đây vốn là điều không dễ thực hiện. Và cũng có nguy cơ rằng tư duy "đừng lo lắng, đã có vaccine" có thể khiến các phương pháp phòng ngừa đơn giản hơn bị bỏ qua.

Virus Nipah được phát hiện đầu tiên ở Malaysia năm 1998. Những trường hợp như cái chết gần đây của một cậu bé ở Kerala (Ấn Độ) đã làm dấy lên lo ngại rằng virus này có thể đột biến và tăng khả năng lây nhiễm, khiến chúng lây lan rộng hơn.

Viễn cảnh đó thật đáng sợ vì tỷ lệ tử vong của người nhiễm virus Nipah là trên 50% và không có vaccine hoặc phương pháp điều trị nào đã được thử nghiệm để điều trị cho những người nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, trước khi đầu tư nguồn lực vào việc phát triển vaccine ngừa virus Nipah, chúng ta cần đánh giá liệu virus này có phải là một mối đe dọa gây ra đại dịch hay không. Và ngay cả khi đúng như vậy, vẫn còn có những loại virus khác, vì vậy chúng ta phải hiểu được virus Nepah nên được xếp ở đâu trong danh sách ưu tiên.

Đánh giá nguy cơ virus Nipah gây ra đại dịch

Để đánh giá rủi ro, chúng ta cần xem xét cách virus này lây lan và nhân rộng. Nipah là một loại virus thuộc họ paramyxovirus. Nó có liên quan đến virus parainfluenza ở người, một trong số ít các virus gây ra cảm lạnh thông thường.

Vật chủ tự nhiên của nó là loài dơi ăn quả, còn gọi là dơi quạ, phân bố trên khắp Nam Á và Đông Nam Á. Tất cả các trường hợp con người nhiễm virus Nipah cho đến nay đều do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với những con dơi bị nhiễm bệnh.

Virus có trong nước tiểu mà dơi bài tiết ra. Trái cây hoặc nước trái cây bị dính nước tiểu của dơi là con đường chính truyền virus sang người. Một nghiên cứu dài hạn ở Bangladesh, nơi thường xuyên bùng phát dịch bệnh do virus Nipah gây ra, cho thấy mật độ dơi, tỷ lệ phổ biến của virus và việc người dân uống nhựa cây chà là sống là những yếu tố chính giải thích cho hình thức lây lan của virus.

[Ấn Độ truy vết tiếp xúc sau khi một bệnh nhân tử vong vì virus Nipah]

Những con dơi khi hút nhựa cây chà là đã khiến nhựa cậy bị nhiễm virus và rồi nhựa cây này lại được người dân địa phương tiêu thụ. Đây là một phát hiện quan trọng.

Như chúng ta đã thấy với virus SARS-CoV-2, virus phát triển tốt hơn khi chúng lây lan giữa các vật chủ là người chứ không phải động vật. Vì vậy, việc hạn chế số người nhiễm virus ở mức tối thiểu không chỉ giảm thiểu tỷ lệ tử vong do chính virus Nipah gây ra mà còn giảm cơ hội virus có thể thích nghi. Ngăn chặn việc lây nhiễm virus sẽ ngăn chặn được mối đe dọa đại dịch xảy ra.

Cho đến nay, trong các trường hợp lây nhiễm ở người, tình trạng lây nhiễm chỉ xảy ra ở những người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, chẳng hạn như các thành viên trong gia đình hoặc nhân viên y tế nếu người đó đang nằm viện.

Tình trạng lây lan rộng không xảy ra, chủ yếu là do các protein mà virus Nipah sử dụng để xâm nhập vào tế bào, các cơ quan thụ cảm, tập trung ở các mô não và thần kinh trung ương.

Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm virus Nipah dẫn đến tử vong là do viêm não cấp tính vì virus này sao chép tốt nhất ở các mô nơi virus dễ dàng xâm nhập vào tế bào. Virus này nhân lên ở mức độ nhỏ trong hệ thống mạch máu, các mạch máu là con đường để virus di chuyển từ thực phẩm được tiêu thụ đến hệ thần kinh.

Tuy nhiên, việc virus này "ưa thích" hệ thần kinh trung ương cũng cho thấy lý do tại sao việc truyền nhiễm tiếp bị hạn chế. Virus này không thể dễ dàng lây truyền khi còn ở hệ thần kinh trung ương.

Tất nhiên, một người bị bệnh nặng sẽ có virus ở khắp cơ thể, nhưng cũng như với Ebola, virus này không lây truyền một cách hiệu quả qua đường hô hấp mà cần phải chạm vào hoặc lây truyền qua dịch cơ thể. Phải tiếp xúc rất gần mới có thể lây nhiễm cho người khác.

Cơ hội virus Nipah biến đổi để nhân lên ở đường hô hấp trên - nơi mà từ đó virus này chắc chắn sẽ dễ lây lan hơn - là rất nhỏ, và mặc dù điều đó không loại trừ khả năng xảy ra đại dịch, nhưng nó giúp giảm đáng kể xác suất đại dịch xảy ra.

Giống như các trường hợp lây nhiễm từ động vật thông thường khác, bản thân việc virus lây lan từ dơi sang người và những người trực tiếp bị ảnh hưởng mới là vấn đề đáng quan tâm hơn là khả năng lây lan dịch.

Có lập luận cho rằng cần phát triển vaccine ngừa virus Nipah, nhưng chủ yếu để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho những người tiếp xúc với những người nhiễm bệnh hơn là để triển khai một chiến dịch tiêm chủng phổ biến.

Những lập luận phản bác dựa trên thực tế là giá trị tuyệt đối thấp, chi phí cao và dịch bệnh do virus này gây ra chỉ bùng phát lẻ tẻ nên một thử nghiệm lâm sàng sẽ rất khó được thực hiện. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng kháng thể có hiệu quả và điều đó sẽ là một lựa chọn điều trị thiết thực hơn trong ngắn hạn.
Virus Nipah không có nguy cơ cao gây ra đại dịch.

Mô hình bùng phát hiện nay của loại virus này có thể sẽ vẫn theo hướng như thông thường. Thay vào đó, chúng ta cần đảm bảo rằng việc giám sát, nâng cao nhận thức và các biện pháp y tế công cộng hiệu quả cần được thực hiện và tuân thủ. Chúng sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến việc kiểm soát các ca nhiễm virus Nipah trong tương lai gần.

Đối với việc chuẩn bị cho đại dịch trong trung và dài hạn, chúng ta cần tập trung chú ý vào việc xác định loại virus này có thể gây ra mối đe dọa và nỗ lực phát triển vaccine cùng các biện pháp ứng phó khác chống lại các loại virus đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục