Vỡ cống bể chứa chất thải ở Cao Bằng: Tác động rất xấu tới sông Gâm

Theo các chuyên gia môi trường, sự cố vỡ cống bể chứa nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường tại huyện Lâm Bình, tỉnh Cao Bằng sẽ ảnh hưởng rất xấu tới nguồn nước.
Vỡ cống bể chứa chất thải ở Cao Bằng: Tác động rất xấu tới sông Gâm ảnh 1 Vỡ bể chứa thải nhà máy chì kẽm, môi trường bị ô nhiễm nặng. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trước sự cố vỡ cống bể chứa chất thải chì, kẽm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC, ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, nhiều chuyên gia môi trường đã bày tỏ lo lắng về mức độ ảnh hưởng của sự cố tới dòng nước sông Gâm và đời sống dân sinh khu vực.

Cụ thể, vào chiều 5/1, bể chứa chất thải chì, kẽm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC, ở xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng xảy ra sự cố vỡ tấm bêtông đáy khiến cho hàng trăm nghìn m3 nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường, chảy xuống sông Gâm khiến cho sông Gâm bị ô nhiễm nặng.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo huyện Bảo Lâm đã kịp thời có mặt tại hiện trường, yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng của sự cố đến môi trường sinh thái và cuộc sống người dân.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus chiều 6/1, ông Nguyễn Đồng Hưng, Chánh Văn phòng Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, việc nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường, chảy xuống sông sẽ gây ảnh hưởng rất xấu tới môi trường. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như thế nào thì cần phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể.

“Theo nghiên cứu, chì là kết quả phân hủy của chất phóng xạ nên khi tràn ra môi trường, xâm nhập vào nguồn nước mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn. Điều đáng lo là, khi nguồn thải này hòa vào nước sẽ tác động xấu đến các loài sinh vật. Đặc biệt, khi con người ăn vào sẽ rất nguy hiểm,” ông Hưng chia sẻ.

Vỡ cống bể chứa chất thải ở Cao Bằng: Tác động rất xấu tới sông Gâm ảnh 2Sự cố vỡ bể chứa thải nhà máy chì kẽm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trong khi đó, ông Phạm Khang, đại diện Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, trong bùn thải không chỉ có chì mà còn có kim loại nặng khác, nếu tràn ra ngoài môi trường sẽ rất nguy hiểm. Theo ông Khang, kim loại nặng lẫn vào nước và đất sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến các sinh vật, thậm chí là cả con người.

Có chung quan điểm, tiến sỹ Đào Trọng Hưng, chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho hay, trong trường hợp nước và bùn thải chì, kẽm chưa được xử lý, khi đổ ra môi trường, chảy xuống sông Gâm sẽ hòa tan vào trong nước, bùn thải lắng đọng xuống lòng sông…, gây ảnh hưởng lâu dài đến nguồn nước.

Đề cập đến giải pháp khắc phục, vị chuyên gia này cho rằng: “Nếu mức độ nghiêm trọng, tốt hơn hết là chặn nguồn nước, nhưng sông thì làm sao chặn được? Vì thế, giải pháp thứ hai là phải có nguồn nước bổ sung, để pha loãng nồng độ axít cũng như những chất dễ bay hơi..”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục