Vụ bạo loạn Điện Capitol: Yêu cầu FBI điều tra vai trò của mạng Parler

Chủ tịch Ủy ban cải cách và giám sát Hạ viện Mỹ yêu cầu FBI điều tra Parler về nghi vấn mạng xã hội này hỗ trợ việc lên kế hoạch và kích động bạo lực trong vụ người biểu tình tấn công Điện Capitol.
Vụ bạo loạn Điện Capitol: Yêu cầu FBI điều tra vai trò của mạng Parler ảnh 1Người biểu tình tập trung gần tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 21/1, nghị sỹ Carolyn Maloney, Chủ tịch Ủy ban cải cách và giám sát Hạ viện Mỹ, đã yêu cầu Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) làm rõ vai trò của nền tảng mạng xã hội Parler có khuynh hướng bảo thủ trong vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng này.

Bà Maloney đã gửi thư tới Giám đốc FBI kêu gọi "giám sát mạnh mẽ" và điều tra Parler về nghi vấn mạng xã hội này hỗ trợ việc lên kế hoạch và kích động bạo lực trong vụ người biểu tình tấn công Điện Capitol ngày 6/1 vừa qua.

Theo nữ nghị sỹ này, Parler cũng có thể nắm giữ bằng chứng liên quan tới vụ tấn công, hoặc của các chính phủ nước ngoài tài trợ cho hành vi gây bất ổn dân sự tại Mỹ.

[Mạng xã hội Parler bị buộc dừng hoạt động do vi phạm quy định]

Một số người dùng Parler đã bị buộc tội đe dọa sử dụng vũ lực chống lại các quan chức trúng cử hoặc tham gia vụ bạo loạn trên. Bà cũng cho biết Ủy ban trên đang tiến hành cuộc điều tra riêng rẽ, đồng thời yêu cầu tổ chức một cuộc họp với các quan chức FBI về vấn đề này.

Số người sử dụng Parler tại Mỹ đã tăng vọt sau khi Twitter khóa tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump liên quan đến cuộc bạo động tại trụ sở Quốc hồi đầu tháng này, biến Parler trở thành ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất trên cửa hàng ứng dụng trực tuyến của Apple.

Các đoạn tin nhắn mang tính xúi giục, cũng như kêu gọi biểu tình liên quan đến vụ tấn công tại thủ đô Washington ngày 6/1 đã tràn ngập trên mạng xã hội Parler.

Vì lý do này, cả Google và Apple lần lượt trong hai ngày 8 và 9/1 phải xóa nền tảng này khỏi kho ứng dụng của mình.

Nền tảng mạng xã hội này cũng bị buộc dừng hoạt động từ ngày 11/1, sau khi hãng công nghệ Amazon tuyên bố ngừng cung cấp máy chủ cho công ty này với lý do tiếp tay cho các "mối đe dọa bạo lực."

Vụ bạo động xảy ra ngày 6/1 tại thủ đô Washington, khi nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump xông thẳng vào tòa nhà Quốc hội trong lúc các nghị sỹ  thuộc hai viện đang họp để thông qua chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Vụ việc đã làm 5 người thiệt mạng, trong đó có 1 cảnh sát và hơn 50 cảnh sát bị thương.

Parler bắt đầu hoạt động từ năm 2018, với cách vận hành giống Twitter, khi người dùng có thể theo dõi các trang cá nhân và phản hồi bằng thao tác "parleys" thay vì "tweets."

Thời gian đầu, nền tảng này thu hút một lượng lớn người dùng có thiên hướng bảo thủ hoặc cả các phần tử cực hữu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây Parler trở thành diễn đàn của những người ủng hộ đảng Cộng hòa.

Trong số này, nổi bật là ngôi sao truyền hình Sean Hannity của Fox News với 7,6 triệu lượt theo dõi, cùng người đồng nghiệp Tucker Carlson với 4,4 triệu lượt theo dõi.

Ngoài ra, còn có cả giới chức tham gia tranh cử như Hạ nghị sỹ bang California Devin Nunes, hay Thống đốc bang South Dakota, Kristi Noem./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục