WHO sẽ chuyển 1,2 triệu liều vắcxin tới Việt Nam

Từ nay đến tháng 2/2010, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ chuyển 1,2 triệu liều vắcxin ArepanrixTM tới Việt Nam như đã cam kết.
Theo Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, từ nay đến tháng 2/2010, WHO sẽ chuyển 1,2 triệu liều vắcxin ArepanrixTM tới Việt Nam như đã cam kết.

ArepanrixTM là loại vắcxin có tá dược được sản xuất tại Canada của hãng GlaxoSmithKline (GSK). Loại vắcxin này đã được WHO kiểm định chất lượng dựa trên quy trình chuẩn, thông tin về chất lượng, độ an toàn được cung cấp trong hồ sơ.

Đến nay, WHO tiếp tục khẳng định tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ cộng đồng trước tác động của virus cúm A/H1N1, đặc biệt là nhóm dân số có nguy cơ cao như những người mắc các bệnh mãn tính, phụ nữ có thai, những người sống trong các cộng đồng tách biệt, vùng sâu vùng xa và các cán bộ y tế.

Tiêm chủng cho các nhóm đối tượng này sẽ giảm bớt nguy cơ lây nhiễm, biến chứng và tử vong do cúm A/H1N1.

Cũng trong ngày 9/12, đại diện WHO tại Việt Nam đã trả lời về vấn đề vắcxin phòng chống cúm A/H1N1 của GSK gây biến chứng tại Canada. Theo đó, GSK đã chủ động giữ lô Arepanrix A80CA007A sau khi theo dõi thấy một tỷ lệ lớn các ca bị sốc phản vệ có liên quan đến lô vắcxin này.

Tổng cộng có 172.000 liều được phân phối, sau khi công bố thu giữ còn hơn 14.700 liều chưa sử dụng. Tính toán dựa trên số lượng liều chưa sử dụng, tần xuất sốc phản vệ sau khi tiêm vắcxin từ lô A80CA007A là 4 trường hợp trên 100.000 liều được phân phối.

Tần suất này cao hơn khi so sánh với tỷ lệ thông thường là 0,1-1 trên 100.000 liều.

WHO cũng khẳng định rằng tất cả các thông tin về việc tiêm vắcxin cũng như các phản ứng bất lợi xảy ra sau khi tiêm tại các nước khác đều được WHO thông báo tới các quốc gia thành viên.

Quyết định về việc chia sẻ vắcxin giữa 95 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam, được tiến hành dựa trên các đánh giá do WHO tiến hành vào tháng 10/2009, trước khi thu hồi lô vắcxin tại Canada.

WHO cũng khuyến cáo việc tiêm vắcxin phòng chống cúm A/H1N1 cho người dân là hết sức cần thiết. Nguy cơ về phản ứng vắcxin vẫn có thể xảy ra nhưng nhỏ hơn nhiều lần so với nguy cơ mắc cúm A/H1N1 mà nhóm nguy cơ cao phải chịu.

Đến nay, WHO đã nhận được cam kết tài trợ với tổng số 180 triệu liều vắcxin từ nhiều hãng trên thế giới, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 10% dân số ở 95 nước có thu nhập thấp và trung bình.

Trong số này, GSK cam kết cung cấp 50 triệu liều; Sanofi Pasteur cam kết cung cấp 100 triệu liều vào tháng 6/2009.

Theo ước lượng, đã có 150 triệu liều vắcxin được phân phối trên toàn thế giới, trong đó có 30% là vắcxin có tá dược.

Các phản ứng sau khi tiêm vắcxin đã được thông báo rộng rãi ngay sau khi vắcxin cúm A/H1N1 được sử dụng.

Các trường hợp phản ứng vắcxin có biểu hiện nổi mề đay, phù mạch, sốc phản vệ từ nhẹ đến nặng... nhưng sau đều tự biến mất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục