WHO tiến hành đợt sơ tán quy mô lớn các bệnh nhân ở Gaza đến UAE

WHO cho biết ít nhất 22.500 người bị thương ở Gaza trong 11 tháng kể từ khi chiến tranh nổ ra sẽ cần các dịch vụ phục hồi chức năng ngay bây giờ và trong nhiều năm tới.

Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống khu vực Al-Mawasi, phía Tây Khan Younis, Dải Gaza, ngày 10/9. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống khu vực Al-Mawasi, phía Tây Khan Younis, Dải Gaza, ngày 10/9. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 12/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã sơ tán gần 100 người, trong đó có hàng chục trẻ em, từ Gaza đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đồng thời kêu gọi các bên liên quan tạo điều kiện nối lại hoạt động vận chuyển y tế định kỳ từ Gaza ra bên ngoài.

Phát biểu với các phóng viên, ông Richard Peeperkorn, đại diện của WHO tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cho biết đây là cuộc sơ tán nhiều bệnh nhân nhất khỏi Gaza kể từ tháng 10/2023. Hoạt động diễn ra vào ngày 11/9.

Quan chức này nhấn mạnh Gaza cần hành lang y tế, cần có một hệ thống được tổ chức và duy trì tốt hơn. WHO ước tính hơn 10.000 người bệnh ở Gaza đang chờ được chuyển đi.

Cũng theo WHO, ít nhất 1/4 số người bị thương trong cuộc chiến tranh ở Gaza phải chịu những vết thương thành tật cả đời, nhiều người phải cắt cụt chi.

WHO cho biết ít nhất 22.500 người bị thương ở Gaza trong 11 tháng kể từ khi chiến tranh nổ ra sẽ cần các dịch vụ phục hồi chức năng ngay bây giờ và trong nhiều năm tới.

Ông Rik Peeperkorn cho biết nhu cầu phục hồi chức năng tăng vọt trong khi hệ thống y tế ngày càng yếu kém.

Dẫn kết quả một phân tích mới về các loại thương tích do xung đột, cơ quan y tế Liên hợp quốc cho biết trong số những người bị thương nặng có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em, nhiều người đã bị nhiều hơn một vết thương. Ước tính có tổng cộng từ 13.455 đến 17.550 trường hợp chấn thương chân tay nghiêm trọng, cần phục hồi chức năng. Các thương tích khác làm thay đổi cuộc sống bao gồm chấn thương cột sống, chấn thương sọ não và bỏng nặng.

WHO cũng cho biết có 17 trong số 36 bệnh viện ở Gaza hiện còn hoạt động nhưng cũng không đầy đủ các dịch vụ trong khi các dịch vụ sơ cứu thường xuyên bị gián đoạn hoặc không thể tiến hành do tình trạng mất an ninh, các cuộc tấn công và sơ tán.

Theo Cơ quan Y tế ở Gaza do lực lượng Hamas điều hành, ít nhất 41.118 người tại Gaza đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bùng phát ngày 7/10/2023, trong khi số người bị thương lên tới hơn 95.000./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục