Xây dựng nhà ở cho công nhân: Vẫn chỉ như ''muối bỏ biển''

Hiện nay, trên cả nước mới có khoảng 28% người lao động được đáp ứng nhu cầu nhà ở ổn định, đồng nghĩa với việc 72% người lao động còn lại vẫn phải tá túc trong những căn phòng trọ hoặc ở nhờ.
Xây dựng nhà ở cho công nhân: Vẫn chỉ như ''muối bỏ biển'' ảnh 1Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương. (Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Hiện nay, cả nước có khoảng 4,8 triệu công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó hơn 70% đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây.

Việc gia tăng các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thu hút rất nhiều công nhân về làm việc, đặc biệt là các tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Ninh…

Theo báo cáo của các địa phương, nhu cầu nhà ở của công nhân khu công nghiệp trên toàn quốc dự kiến đến năm 2020 vào khoảng 1,7 triệu người; trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp và tập trung nhiều nhất tại các địa bàn như tỉnh Bình Dương (hơn 90%), Thành phố Hồ Chí Minh (63%), Đồng Nai (60%), Hà Nội (59%)…

Nhu cầu lớn nhưng thực tế đáp ứng quá thấp

Công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thường là dân nhập cư đến từ các địa phương khách nhau. Họ có mức thu nhập bình quân không cao và không có nhiều tiền. Phần lớn các công nhân thuê trọ trong những ngôi nhà cấp 4 do dân tự xây dựng xung quanh nơi làm việc.

Tại Hà Nội, tính đến hết năm 2020, cần thêm khoảng 2 triệu m2 sàn nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện cũng mới chỉ đáp ứng được gần 15,3% nhu cầu nhà ở cho công nhân.

Đó là chưa kể tới nhu cầu nhà ở của các gia đình nghèo và sinh viên các trường đại học, dạy nghề... về học ở các đô thị lớn.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện cả nước đã hoàn thành khoảng 100 dự án nhà công nhân, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, đủ để bố trí cho khoảng 330.000 người lao động.

Con số này hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% so với nhu cầu, đồng nghĩa với việc 72% người lao động vẫn chưa được đáp ứng các nhu cầu về nhà ở.

Hiện nay, các địa phương đang có tới 226 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô khoảng 182.200 căn. Tuy nhiên hầu hết dự án đều đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.

Thậm chí có nhiều chủ đầu tư đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, do đó, nguồn cung nhà ở xã hội ra thị trường đang rất hạn chế. Khó khăn về nguồn cung loại hình nhà ở này vẫn chưa được cải thiện.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có gần 97.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Đến năm 2020, số lao động trong các khu công nghiệp của tỉnh là 104.500 và tăng lên 248.000 người trong năm 2030.

Có 31.800 lao động trong khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở trong năm 2020, con số này tăng lên là 62.000 người trong năm 2030.

[Băn khoăn từ việc khuyến khích doanh nghiệp xây nhà cho người lao động]

Theo chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt vào tháng 8/2018, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 27m2 sàn/người, năm 2030 đạt khoảng 35 m2 sàn/người.

Như vậy, đến năm 2020, người lao động trong các khu công nghiệp của tỉnh cần 860.000m2 sàn nhà ở; năm 2030 công nhân trong các khu công nghiệp cần hơn 2,1 triệu m2 sàn nhà ở.

Xây dựng nhà ở cho công nhân: Vẫn chỉ như ''muối bỏ biển'' ảnh 2Phần lớn công nhân vẫn phải sống trong những khu nhà trọ tạm bợ. (Nguồn: TTXVN)

Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 11 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thu hút khoảng 8.000 lao động trong và ngoài tỉnh làm việc. Tuy nhiên, số lượng lao động được bố trí chỗ ở ổn định mới được khoảng trên 3.000 người, còn lại là phải thuê trọ ngoài hoặc ở nhờ nhà người quen.

Còn tại Bắc Ninh, con số thống kê cho biết hiện tỉnh có hơn 152.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp tập trung, trong đó hơn 75.000 công nhân (chiếm khoảng gần 50%) có nhu cầu thuê nhà để ở, trung bình hàng năm số lao động và nhu cầu ở tăng 20-25%.

Nhu cầu ngày càng bức thiết

Có thể nhận thấy trong khi quỹ nhà ở đô thị tuy có gia tăng đáng kể nhưng nhà ở dành cho các đối tượng là người lao động tại các khu công nghiệp tập trung còn hạn chế và để giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động ngày càng trở lên bức thiết.

Luật Nhà ở 2014 đã có quy định về nhà ở xã hội. Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rất chi tiết, cụ thể về chính sách thực hiện nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân.

Theo đó, các dự án nhà ở thương mại, dự án đô thị phải dành 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Đối với dự án dưới 10 hécta, có thể linh động nộp bằng tiền, quỹ đất, quỹ nhà tương đương với giá trị đó.

Đối với những dự án trên 10 hécta bắt buộc phải xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế, việc đầu tư xây dựng nhà ở, nhà lưu trú công nhân vẫn chỉ như muối bỏ biển.

Ngay ở các địa phương có khu công nghiệp cũng chưa mặn mà đầu tư nhà ở cho công nhân. Nguyên nhân là do thủ tục rườm rà, thời gian chuẩn bị chậm, chậm giải phóng mặt bằng, giao đất.

Đó là chưa kể đến chuyện chủ đầu tư bị khống chế lợi nhuận tối đa là 10%, trong khi việc phê duyệt quy hoạch dự án bị kéo dài dẫn đến giá thành bị đội lên nhiều, gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Qua khảo sát thực tế nhiều năm ở các khu công nghiệp cho thấy, do thiếu thốn về nhà ở, hàng nghìn công nhân đã phải thuê nhà trọ bên ngoài với điều kiện sinh hoạt đa phần là thiếu thốn, chật chội và tạm bợ, đó là chưa kể đến vấn đề an ninh ở các khu trọ còn khá phức tạp.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nguồn lao động của các khu công nghiệp luôn rơi vào tình trạng mất ổn định.

[Đồng Nai cần yêu cầu nhà đầu tư thực hiện xây nhà ở cho công nhân]

Để giữ chân công nhân, không ít các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng với số tiền trung bình từ 200.000-600.000 đồng/người. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thực sự giải quyết tận gốc của vấn đề và nhiều doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động vẫn gặp không ít khó khăn.

Giải pháp nào gỡ nút thắt?

Để nâng cao trách nhiệm trong việc phát triển nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và giao cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì triển khai.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 phấn đấu tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế của công đoàn bao gồm cả nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.

Theo đó, giai đoạn 2017-2018 hoàn thành 10 thiết chế công đoàn; từ năm 2018-2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế công đoàn và đến năm 2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

Tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội; trong đó có nhà ở cho công nhân; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Phân tích nguyên nhân tỷ lệ đáp ứng chỗ ở cho công nhân lao động vẫn hạn chế, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Xây dựng nhà ở cho công nhân: Vẫn chỉ như ''muối bỏ biển'' ảnh 3Trường Mầm non Công đoàn - ngôi trường đầu tiên của tổ chức Công đoàn An Giang dành để phục vụ nhu cầu học tập và gửi con của đoàn viên, công nhân lao động đang làm việc trong Khu công nghiệp Bình Hòa. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Theo ông Phấn, hiện nay ngân sách nhà nước mới chỉ thu xếp được gần 1.200 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và đến nay mới bố trí được khoảng 750 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân vay (theo quy định thì Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ huy động thêm 750 tỷ đồng và chỉ cho người dân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, chưa cho chủ đầu tư dự án vay).

Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có các nguồn tài chính khác để cho vay trung hạn và dài hạn với lãi suất thấp đối với phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp lại chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội...

Thêm một thực tế cần lưu ý là ngay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp cũng chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình thông qua việc mua, thuê nhà ở, xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê, mặc dù Luật Nhà ở cho phép chi phí mua, thuê, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập của doanh nghiệp - ông Phấn viện dẫn.

Bộ Xây dựng cho rằng, để gỡ các nút thắt trên cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Muốn vậy, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính,... để huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Việc triển khai xây dựng các thiết chế gắn với xây dựng nhà ở xã hội như đề án mà Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đặt ra sẽ đáp ứng sự mong mỏi của hàng triệu công nhân lao động.

Nhìn rộng hơn, bài toán về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân có thể được giải một cách căn cơ nếu như doanh nghiệp và cơ quan quản lý tìm được tiếng nói chung; các vướng mắc về mặt chính sách, chủ trương được giải quyết, kết hợp với nguồn lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước dựa trên ý nghĩa xã hội tốt đẹp mà nhà ở xã hội mang lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục