Xây dựng Quy tắc ứng xử người Hà Nội: Khơi thông dòng chảy văn hóa

Rất nhiều giải pháp được đưa ra với mong muốn tạo nét văn minh, thanh lịch đúng nghĩa cho người dân Thủ đô, từ ý kiến "Phường ước," "Chung cư ước" đến lan tỏa văn hóa qua "Nếp nhà," Nội quy công sở...
Xây dựng Quy tắc ứng xử người Hà Nội: Khơi thông dòng chảy văn hóa ảnh 1Phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố Hà Nội liên tục tổ chức các buổi làm việc, phiên giải trình về thực hiện Quy tắc ứng xử, cho thấy vấn đề đưa việc triển khai văn hóa ứng xử người Hà Nội vào thực chất không thể chậm trễ hơn. Trong đó, rất nhiều giải pháp được đưa ra với mong muốn tạo nét văn minh, thanh lịch đúng nghĩa cho người dân Thủ đô.

Học tập Hương ước với "Phường ước," "Chung cư ước?"

Sau hơn một năm triển khai các bộ Quy tắc ứng xử nhưng nhiều sở, ngành, đoàn thể, các quận, huyện của Hà Nội chưa có cách làm hay để tạo ra chuyển biến. Từ thực tế đó, Ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU sẽ triển khai mô hình từ cơ sở, trước mắt thí điểm tại hai quận Cầu Giấy, Tây Hồ và các huyện Mỹ Đức, Sóc Sơn, thực hiện trong từng tổ dân phố, đơn vị. Từ đó, Ban chỉ đạo sẽ rút kinh nghiệm để triển khai ra toàn thành phố, cách làm này đang được kỳ vọng tạo chuyển biến tốt trong thực hiện các Bộ Quy tắc trên.

Đồng thuận với cách làm này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, mô hình không chỉ triển khai từ trong gia đình, tổ dân phố, khu dân cư mà còn triển khai đến các xã, phường, quận, huyện, thành phố để việc triển khai không còn hình thức. Tại các cuộc sinh hoạt trong khu dân cư cần tuyên truyền, thảo luận về văn hóa ứng xử để những hành vi ứng xử thiếu văn minh phải được phê phán ngay từ khu dân cư. Tại các cơ quan, đơn vị, phòng ban cũng cần đưa vào triển khai và có chấm điểm để ứng xử của cán bộ, công chức phải đảm bảo chuẩn mực đạo đức.

[Hà Nội quyết tâm cải thiện hình ảnh "bún mắng," "cháo chửi"]

Thời phong kiến xưa, các làng, xã ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ thường có hương ước quy định người dân trong làng tuân thủ quy định chung do làng đặt ra. Nghĩa là ngoài các quy định của triều đình, hương ước sẽ điều chỉnh tất cả hành vi mà luật lệ của triều đình không quán xuyến hết.

Đây chính là mô hình quản lý đời sống xã hội của từng làng xã và người dân đều nghiêm túc thực hiện, nếu vi phạm quy định của hương ước sẽ bị làng phạt rất nặng. Mặc dù việc hình thành các mô hình thực hiện văn hóa ứng xử trong giai đoạn hiện nay không thể áp dụng quy định hà khắc như hương ước thời phong kiến nhưng nhiều người vẫn đặt câu hỏi về việc xây dựng những quy tắc riêng tại mỗi phường, xã, khu dân cư tựa như các “phường ước,” “chung cư ước.”

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, các “phường ước,” “chung cư ước” được xây dựng trên cơ sở ý kiến đóng góp của người dân, được người dân thông qua và đồng thuận nên thông thường họ sẽ tự giác thực hiện. Hơn nữa, đặc thù tại mỗi xã, phường, khu dân cư khác nhau nên việc xây dựng các quy ước riêng của từng nơi sẽ phù hợp với điều kiện sinh hoạt ở nơi đó và dễ dàng được người dân chấp thuận. Những người quản lý, điều hành các “phường ước,”  “chung cư ước” do chính người dân lựa chọn trong cùng xã, phường, khu dân cư nên càng dễ dàng nhắc nhở nhau.

Khơi sự lan tỏa từ nếp nhà, nội quy công sở 

Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội có đối tượng và khu vực áp dụng rộng khắp, trong khi đó, từng khu vực, đối tượng có đặc thù khác nhau. Để triển khai hiệu quả các Quy tắc ứng xử, thành phố Hà Nội đang lựa chọn một số khu vực và đối tượng để tập trung triển khai.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU khẳng định, thành phố không làm tràn lan như trước mà ưu tiên một số đối tượng gồm: Cán bộ, công chức (toàn thành phố khoảng 155 nghìn người); học sinh, sinh viên (gần 2 triệu người và hội viên các đoàn thể). Từ đó, Ban Chỉ đạo chương trình 04-CTr/TU sẽ có hình thức tuyên truyền riêng phù hợp từng đối tượng, đồng thời giao cơ quan quản lý thực hiện nhiệm vụ này.

Đặc biệt, với cán bộ, công chức, viên chức là đối tượng cần gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Quy tắc ứng xử, thành phố sẽ kiên trì tuyên truyền, vận động để họ nghiêm túc chấp hành, tự giác thực hiện, trở thành nếp sống văn hóa văn minh nơi công sở. Trong đó, những người thường xuyên tiếp xúc với nhân dân như cán bộ tại bộ phận một cửa cần được đào tạo tốt, hiểu biết pháp luật, nắm được vấn đề tâm lý học để có cách ứng xử tốt.

Thành phố cũng xác định người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền, đoàn thể có vai trò quyết định trong thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử. Theo đó, người lãnh đạo cần thay đổi nhận thức thực hiện Quy tắc ứng xử, triển khai hiệu quả trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Bản thân lãnh đạo phải gương mẫu thực hiện để nêu gương. Đi cùng với tuyên truyền, vận động, Hà Nội tăng cường thanh tra công vụ đột xuất nhằm phát hiện, xử lý vi phạm.

Tại nơi công cộng, thành phố xác định khu vực trọng điểm cần được ưu tiên tuyên truyền Quy tắc ứng xử như các chợ, trung tâm thương mại, bến xe, khu vực giao thông công cộng... bởi nơi này thường xảy ra những bất cập trong ứng xử văn minh. Hiện hầu hết các khu vực này chưa được tuyên truyền nhiều về Quy tắc ứng xử và đó cũng là bài toán cần lời giải cho cơ quan chức năng.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc cũng cho rằng, văn hóa của chúng ta là văn hóa cộng đồng, muốn thay đổi tập quán, thói quen, cách ứng xử trong xã hội thì phải sửa từ gốc. Có nghĩa là ứng xử phải thực hiện tốt từ trong gia đình, ứng xử có tôn ti trật tự, trên dưới tôn trọng nhau thì cái tốt mới lan ra cộng đồng xung quanh.

Quan điểm của Nhà văn hóa Hữu Ngọc nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà quản lý bởi thực tế, gia đình chính là tế bào của xã hội, tế bào vững thì xã hội mới mạnh. Việc coi trọng yếu tố gia đình là vô cùng cần thiết trong triển khai Quy tắc ứng xử nhằm tạo nếp sống văn hóa trong xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục