Ba hiện vật được đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia

Chuông chùa Vân Bản, chân đèn gốm men rạn ngà của Đỗ Phủ và bia Võ Cạnh được đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia.
Ba hiện vật được đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia ảnh 1(Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hội đồng giám định cổ vật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tiến hành thẩm định để lập hồ sơ đề cử công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 2) đối với ba hiện vật đang được lưu giữ tại đây, bao gồm: Chuông chùa Vân Bản, chân đèn gốm men rạn ngà của Đỗ Phủ và bia Võ Cạnh.

Đại diện Hội đồng giám định cổ vật cho hay ba hiện vật này được lựa chọn dựa trên những tiêu chí để xác định hiện vật là Bảo vật quốc gia như: tính độc bản, độc đáo, có giá trị đặc biệt đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước…

Theo đó, ba hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 2) đều là những cổ vật độc bản.

Cụ thể, chuông chùa Vân Bản có niên đại thuộc thời nhà Trần. Đây là hiện vật gắn với chùa Vân Bản, tháp Tường Long (Hải Phòng). Quả chuông có trang trí rồng trên quai, băng cánh sen trên các tấm gõ và vành miệng, phản ánh đặc trưng Phật giáo thời Trần.

“Chuông có minh văn là sử liệu lịch sử quý, giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, chức danh Phật giáo thời Trần,” đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết.

Cặp chân đèn gốm men rạn ngà của Đỗ Phủ có niên đại từ thời nhà Lê, tạo dáng chân đèn và men độc đáo. Minh văn được khắc trên chân đèn cho biết, người chế tạo ra cặp chân đèn này có tên là Đỗ Phủ.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, cặp chân đèn này là dấu mốc mở đầu, chứng minh dòng gốm men rạn chỉ được sản xuất tại trung tâm gốm Bát Tràng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.

Cùng với đó, bia Võ Cạnh được xem là tấm bia Chămpa có niên đại sớm nhất ở Việt Nam. Nội dung của văn bia nói về một nhân vật lịch sử có tên là Sri Mara.

Sri Mara là người sáng lập triều đại đầu tiên của Vương quốc Nam Chăm, thủ phủ đóng tại vùng Panduranga (vùng Phan Rang-Ninh Thuận ngày nay). Nhân vật này cũng là người có công lớn trong trong quá trình hợp nhất hai Vương quốc Nam Chăm và Bắc Chăm thành Vương quốc Chămpa.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1/10/2012 công nhận Bảo vật quốc gia đối với 30 hiện vật, nhóm hiện vật: Trống đồng Ngọc Lũ (thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia); Bản thảo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" (bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia); tượng Thần Surya (thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh)…./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục