Bài 2: Ùn tắc giao thông: Khi “thuốc tiên” không còn chữa tiệt bệnh

Khi "liều thuốc tiên" mở đường sá kém hiệu quả, người ta đã tính đến nhiều phương án và giao thông thông minh được lựa chọn như một giải pháp hữu hiệu giúp Hà Nội giảm áp lực lên hạ tầng giao thông.
Bài 2: Ùn tắc giao thông: Khi “thuốc tiên” không còn chữa tiệt bệnh ảnh 1Khi các giải pháp mở rộng đường sá trở nên ít tác dụng, việc áp dụng công nghệ thông tin vào giao thông là cần thiết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một trong những biện pháp cải thiện tức thời tình trạng ùn tắc giao thông, với nhiều người dân, chính là việc mở rộng đường sá. Nhưng, để mở rộng một tuyến đường sẽ cần tới rất rất nhiều tiền để giải phóng mặt bằng. Trong khi, đó chưa hẳn là “liều thuốc tiên” để chữa “tiệt nọc” căn bệnh nan y này.


[Nhích từng xen-ti-mét và giấc mơ lãng mạn về giao thông Hà Nội]

Do đó, Hà Nội đã nghĩ tới giao thông thông minh. Và theo các chuyên gia, đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Khi “thuốc tiên” kém hiệu quả

Mấy năm gần đây, Hà Nội cũng như một số địa phương trong cả nước có nhiều dự án cơ sở hạ tầng như làm đường mới, mở rộng đường để tránh ùn tắc. Thế nhưng, với áp lực khủng khiếp về sự tăng trưởng phương tiện giao thông, những “liều thuốc tiên” này nhanh chóng bị “nhờn.”

Lấy đơn cử như đường Nguyễn Chí Thanh, ngã tư Lê Văn Lương - Tố Hữu, làn phân tách trồng cây ở giữa đã được thu hẹp đáng kể, nhưng vẫn xảy ra hiện tượng ùn ứ ở khu vực giao với nút Huỳnh Thúc Kháng. Hoặc, đường Phan Trọng Tuệ trước kia khá nhỏ, giờ có mặt cắt ngang rộng 40m, gồm 2 lòng đường xe chạy chính và dải phân cách, vỉa hè nhưng việc ùn tắc ở khu vực cầu Tó vẫn thường xuyên diễn ra…

[Giao thông "tê liệt," người dân khu Đại Thanh bất lực trong giờ đi làm]

Đây là hệ lụy của việc các cao ốc mọc lên (điển hình như khu vực cầu Tó là Khu đô thị Đại Thanh), thu hút quá đông dân cư đến ở trong khi cơ sở hạ tầng không đáp ứng được cho người dân vào giờ cao điểm.

Chị Nguyễn Thanh (Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, không chỉ tắc ở nút giao ngã tư Phan Trọng Tuệ-Kim Giang, việc ùn tắc còn kéo dài ra tận Linh Đàm (nút giao với Giải Phóng) vì đây là tuyến đường di chuyển của nhiều người để vào nội đô. Không những thế, tại Linh Đàm cũng có nhiều khu chung cư mới thu hút đông dân cư nên việc ùn tắc là chuyện cơm bữa.

“Tôi nghĩ nhà nước cần phải mở rộng đường. Có như thế thì người dân mới di chuyển được dễ dàng,” chị Thanh nói.

Ở một trường hợp khác, anh Phạm Văn Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) thì kể rằng, năm 2011 đi Nhật Bản, ở trên xe, những vị khách tới từ Việt Nam lạ lẫm khi được tài xế thông báo chính xác được quãng thời gian sẽ tới đích. Trong trường hợp có tình huống tai nạn phía trước khiến xe không đến được như dự kiến, hành khách được thông tin một cách kịp thời. Và th eo anh Thắng, “Hà Nội nên tham khảo các cách giải quyết này để người dân có thể biết rõ mình nên di chuyển như nào cho hợp lý.”

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, hiện nay, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố Hà Nội còn 41 điểm ùn tắc.

Tuy nhiên, ông Minh đưa ra sự so sánh giữa năm 2016 với các năm 2012-2014 để thấy rằng vấn đề ùn tắc giao thông được cải thiện đáng kể, số lượng điểm ùn tắc, cường độ tắc đường giảm. Nhưng, theo đánh giá của ông Minh, thời gian qua diễn biến ùn tắc rất phức tạp, gia tăng đặc biệt trong bối cảnh người dân chuyển từ xe máy sang ôtô.

“Trong điều kiện thời tiết bất lợi (mưa to, ngập úng), cường độ ùn tắc càng ngày càng gia tăng,” ông Minh nhận định.

Dã “tật” bằng… công nghệ cao

Đưa ra cách triển khai nhằm giảm ùn tắc, vị Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận, trên thế giới đều thực hiện theo ba cách bao gồm hợp lý hóa nhu cầu đi lại; tối ưu hóa cơ sở hạ tầng hiện hữu và đầu tư hạ tầng mới. Trong đó ứng dụng công nghệ giao thông thông minh để đạt được kết quả tốt nhất trên nền tảng hệ thống hạ tầng đang có là một phương án hết sức cần thiết.

“Khi thực hiện 2 giải pháp đầu đã phát huy hết tác dụng rồi nhưng trong trường hợp vẫn ùn tắc thì mới tính đến việc đầu tư hạ tầng bởi số tiền ‘rót’ vào hạ tầng là rất lớn như đầu tư tuyến đường sắt đô thị lên đến hàng tỷ USD hay xe buýt cũng phải chục triệu USD,” ông Minh nhận định.

Đồng tình, theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (TRAMOC, thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), việc ứng dụng công nghệ giao thông thông minh sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý, giám sát, phân tich, tổng hợp, thống kê lưu lượng, luồng hành khách, đưa ra các giải pháp tổ chức và quản lý điều hành giao thông nhanh chóng và phù hợp với biến động luồng hành khách các khu vực.

“Đặc biệt, nguồn dữ liệu thông tin giao thông sẽ được phân tích, đánh giá, giúp cho công tác quy hoạch, xây dựng và định hướng chính sách, chiến lược phát triển đô thị tạo môi trường phát triển kinh tế, xã hội,” vị lãnh đạo này cho biết.

Khẳng định vấn nạn tắc đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó mỗi khu vực phạm vi có đặc thù khác nhau, đa dạng và biến động thường xuyên liên tục, lãnh đạo TRAMOC nhấn mạnh ứng dụng công nghệ thông tin quản lý giao thông sẽ giúp cho cơ quan quản lý và điều hành giao thông nắm bắt được thực trạng nhanh nhất có thể. Cùng lúc, nhà quản lý có thể đưa ra các giải pháp phù hợp, giải quyết một cách có hệ thống các dòng giao thông, phát hiện các nguyên nhân, biến động theo thời gian nhằm điều hành toàn diện tình hình giao thông trên địa bàn thành phố.

[Hà Nội triển khai xây dựng hệ thống giao thông thông minh]

Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với FPT trong việc để tập đoàn này triển khai hệ thống giao thông thông minh cho Thủ đô và đề xuất theo mô hình cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Về vấn đề này, ông Trần Hữu Minh cho rằng, hướng đi của Hà Nội trong việc ứng dụng các công nghệ giao thông thông minh để giảm ùn tắc giao thông là rất đúng. Đây là giải pháp có chi phí thấp nhất, không tốn về thời gian, hiệu quả cao nhất và thực ra là khả thi nhất trong điều kiện hiện đang gặp khó khăn về ngân sách.

Chỉ ra thực tế chi phí thiệt hại của ùn tắc giao thông gây ra cho xã hội có thể chiếm đến 2-3% GDP của đô thị lớn và Hà Nội cũng không phải là một ngoại lệ, vị Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra các giải pháp như phát triển bản đồ số, cung cấp thông tin giao thông trực tuyến cho người dân là hết sức cần thiết.

Theo ông Minh, hiện nay có VOV giao thông đang là tổng đài cung cấp thông tin giao thông trực tuyến ở dạng âm thanh và tính tương tác giữa người đi đường rất tốt. Còn khi có nền tảng bản đồ số và cung cấp thông tin giao thông trực tuyến trên nền tảng hình ảnh dễ nhìn, dễ hiểu, dễ phản ứng, cá nhân ông Minh đánh giá, hiệu quả chống ùn tắc giao thông sẽ tăng lên gấp bội.

Nói về việc liệu giờ Hà Nội triển khai giao thông thông minh có chậm hay không?, đại diện TRAMOC cho rằng, xuất phát từ điều kiện kinh tế mỗi nước và mỗi thành phố nên việc lựa chọn đầu tư phát triển theo định hướng, chính sách mỗi địa phương và chưa thể nói Hà Nội chậm chân trong việc này./.

Ông Trần Hữu Minh cho rằng, việc ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán giao thông là đúng đắn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Thủ tướng làm trưởng ban. Các Phó trưởng ban gồm một Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hai thành phố này

Bài 3: Tô “gam màu sáng” lên bức tranh giao thông của Hà Nội

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục