Du khách tấp nập khai mạc lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Ngọ

Lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Ngọ 2014 đã khai mạc sáng 15/3 (15/2 âm lịch) tại Khu danh thắng Tây Thiên.
Du khách tấp nập khai mạc lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Ngọ ảnh 1Khai mạc Lễ hội Tây Thiên Giáp Ngọ. (Ảnh: Trọng Lịch/Vietnam+)

Lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Ngọ 2014 đã khai mạc sáng 15/3 (15/2 âm lịch) tại Khu danh thắng Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã về dự.

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, phật tử và du khách nhiều tỉnh, thành lại tìm đến Tây Thiên - chốn linh thiêng để chiêm bái, cầu mong chư phật cũng như Quốc Mẫu Tây Thiên chở che một năm mới an lành, thịnh vượng, nhiều sức khỏe, niềm vui, may mắn. Lễ hội Tây Thiên là một trong những lễ hội lớn khu vực miền Bắc, khai hội vào ngày rằm tháng Hai âm lịch hàng năm. Khu danh thắng Tây Thiên nằm trong hệ thống rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo, có hệ động thực vật phong phú, đa dạng, khí hậu mát mẻ, cảnh quan đẹp. Khu di tích danh thắng Tây Thiên có diện tích khoảng 150ha, tọa lạc trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo.
Du khách tấp nập khai mạc lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Ngọ ảnh 2Khai mạc Lễ hội Tây Thiên Giáp Ngọ. (Ảnh: Trọng Lịch/Vietnam+)
Tây Thiên được biết đến như một miền đất địa linh, nơi giao hòa giữa đạo Phật và đạo Mẫu, tạo nên một bầu không khí thanh tịnh và linh thiêng. Tương truyền từ xa xưa, ngài Khương Tăng Hội - một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật. Chính vì thế mà người ta cho rằng đến với Tây Thiên là "Đến với Phật, về với Mẫu." Quốc mẫu tên thật là Lăng Thị Tiêu, người được Hùng Chiêu Vương thứ bảy lập làm Chính Vương Phi, có công lập binh mã giúp Vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, phát triển nông nghiệp, xây dựng đất nước thái bình thịnh trị. Tưởng nhớ công đức của bà sau khi mất, nhân dân trong vùng lập đền thờ. Bao đời nay, các triều đại phong kiến từ Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong Người là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương, hàng năm cử các quan đại thần lên cúng tế.
Du khách tấp nập khai mạc lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Ngọ ảnh 3Khai mạc Lễ hội Tây Thiên Giáp Ngọ. (Ảnh: Trọng Lịch/Vietnam+)
Lễ hội Tây Thiên hàng năm được tổ chức nhằm tiếp tục khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống, các chuẩn mực giá trị văn hóa, đạo đức, đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào, tính tự tôn dân tộc trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha. Những năm gần đây, Khu danh thắng Tây Thiên được trùng tu, tôn tạo và xây dựng ngày càng khang trang, kết nối các công trình như Đền Thượng, đền Tam Tòa Thánh Mẫu, đền Cô Chín, Đại Bảo Tháp, đền Thõng, đền Thượng, đường sân Trung tâm lễ hội, đường vào nhà ga cáp treo, bãi để phương tiện... để biến nơi đây thành Trung tâm Văn hóa-Lễ hội và là địa điểm du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng, được đông đảo người dân biết đến.
Du khách tấp nập khai mạc lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Ngọ ảnh 4Khai mạc Lễ hội Tây Thiên Giáp Ngọ. (Ảnh: Trọng Lịch/Vietnam+)
Trong những ngày diễn ra lễ hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các môn thể thao và vui chơi như bóng chuyền, chọi gà, cờ tướng, vật dân tộc và kéo co; giao lưu hát chèo, hát chầu văn giữa các câu lạc bộ trên địa bàn; tổ chức hội trại giữa các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, trường học; hội thi làm bánh chưng, bánh dày dâng lên Quốc Mẫu. Để phục vụ du khách tốt hơn, Công ty cổ phần Lạc Hồng Tây Thiên đã đầu tư thêm 16 cabin cáp treo, nâng tổng số lên 50 cabin; đầu tư thêm xe điện hiện đại và nâng tốc độ di chuyển của cáp treo từ 4m/giây lên 6m/giây... nhằm tăng công suất vận chuyển hành khách và giải quyết vấn đề ùn tắc./.
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục