Hành hương về nơi linh thiêng nhất của Xứ sở Mặt trời mọc

Ise Jingu là quần thể đền thờ Thần Đạo lớn nhất Nhật Bản, trong đó nổi bật nhất là Naiku, ngôi đền thờ Nữ thần Mặt trời Amaterasu.
Hành hương về nơi linh thiêng nhất của Xứ sở Mặt trời mọc ảnh 1Bậc thang dẫn lên ngôi đền chính, nơi diễn ra các hoạt động quan trong. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Kashikojiman là một hòn đảo nhỏ với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, giữa vùng biển Ise-Shima của tỉnh Mie. Sẽ là thiếu sót khi nhắc đến Kashikojima mà không nói đến Ise Jingu, quần thể đền thờ Thần Đạo lớn nhất Nhật Bản, trong đó nổi bật nhất là Naiku, ngôi đền thờ Nữ thần Mặt trời Amaterasu.

Ise Jingu là tên gọi chung cho 125 ngôi đền tại tỉnh Mie, với tổng diện tích là 55km vuông. Ngôi đền chính Naiku (Nội cung), nơi thờ Nữ thần Amaterasu Omikami, được xây dựng từ thế kỷ thứ ba được xem là ngôi đền linh thiêng nhất xứ sở Mặt trời mọc.

Tương truyền Naiku là nơi đặt Gương thần, một trong ba báu vật linh thiêng của Hoàng gia, đã được chính Nữ thần Mặt trời trao cho Thiên hoàng đầu tiên.

Tôi đến Naiku trong một buổi chiều mưa nhẹ giữa tháng Năm. Tọa lạc trong một vùng thiên nhiên tươi đẹp với những ngọn núi trùng điệp và dòng sông Isuzu trong vắt, quần thể đền Naiku hiện ra trong màn mưa đầy nên thơ và hùng vĩ.

Hành hương về nơi linh thiêng nhất của Xứ sở Mặt trời mọc ảnh 2Cầu Uji nối 2 cổng chính vào đền Naiku. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Cổng chính đầu tiên vào đền cũng là ranh giới đầu tiên xác định nơi cư ngụ của các vị thần.

Cây cầu gỗ Uji dài khoảng 100m bắc trên sông Isuzu nối giữa hai cổng chính của đền Naiku.

Đứng trên cầu Uji, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với rừng cây xanh ngắt chạy dọc theo dòng sông Isuzu trong vắt.

Đi hết cây cầu gỗ Uji, bước qua cổng đền thứ hai, mở ra trước mắt tôi là khu vườn xanh mướt những cây thông và lối đi rải sỏi.

Không gian yên bình, hương thơm của cây xanh, những cây thông hàng trăm năm tuổi được trồng một cách kỳ công khiến tôi cảm giác mình đang dạo bước trong vườn thượng uyển.

Tất cả các ngôi đền Thần Đạo ở Nhật Bản đều có một nghi thức mà bất cứ người dân nào cũng không bỏ qua.

Đó là nghi thức thanh tẩy trước khi bước vào đền chính, dùng nguồn nước trong bể chứa của ngôi đền rửa tay, rửa mặt với tâm niệm đến gặp các vị thần với một tâm hồn đã được gột sạch bụi trần.

Tại Naiku, khách tham quan sẽ ghé vào một ngôi nhà gỗ Chozusha tọa lạc bên cạnh lối đi lớn dẫn vào đền, tiến hành nghi thức thanh tẩy.

Tuy nhiên, cũng có những người đi xuống bờ sông Isuzu. Dòng nước mát từ con sông Isuzu dường như khiến cho du khách cảm thấy mình đã được tiếp một nguồn sinh lực, giúp cho tâm hồn trở nên thanh sạch sảng khoái hơn.

Đền chính Naiku nằm khuất sau một con đường phủ kín bóng những cây thông hàng trăm năm tuổi.

Ngôi đền được bao bọc bằng hàng rào gỗ để bảo đảm tính tôn nghiêm của nơi linh thiêng.

Chỉ có các thành viên Hoàng gia và vài tu sỹ Thần đạo được phép vào đền chính. Du khách có thể chiêm ngưỡng một phần bên ngoài của ngôi đền và chỉ được chụp ảnh ngôi đền từ dưới chân cầu thang.

Trước khi vào ngôi đền, những người hướng dẫn đã nói với tôi “nếu quay phim, chụp ảnh, bạn chỉ được đứng dưới đường, không được phép bước lên cầu thang dù chỉ một bước."

Một trong những điều đặc biệt tại Naiku, Geku và cầu Uji là tất cả sẽ được xây mới hoàn toàn theo định kỳ 20 năm.

Đây không phải là công việc cải tạo, trùng tu bình thường mà là một nghi thức theo quan niệm của Thần đạo về cái chết và sự tái sinh.

Cho dù ở thời hiện đại, phương pháp và kỹ thuật xây dựng ngôi đền vẫn tuân theo quy tắc truyền thống, chỉ sử dụng các thanh chèn và các mối nối bằng gỗ để gắn kết các thanh gỗ vào nhau mà không hề sử dụng đinh.

Sau khi việc xây dựng được hoàn thành, nghi lễ đặc biệt sẽ được cử hành để mời các vị thần đến cư ngụ trong ngôi nhà mới.

Vật liệu xây dựng được tháo dỡ ra từ ngôi đền cũ sẽ không bị bỏ phí mà sẽ được tái sử dụng để xây dựng Torii, cổng vào ngôi đền.

Vật liệu xây dựng còn thừa cũng được sử dụng để nâng cấp, xây dựng lại những ngôi đền ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản.

Là nơi quy tụ nhiều đền thờ Thần Đạo nhất Nhật Bản, hàng ngày, tại Ise Jingu đều cử hành các nghi lễ tôn giáo cầu nguyện mùa màng bội thu, quốc gia thịnh vượng và gửi lời cảm tạ vì những món quà mà thiên nhiên ban tặng.

Trong thời kỳ Edo (từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19), người dân từ khắp nơi Nhật Bản thực hiện chuyến đi đến Ise Jingu mà họ coi đó là chuyến hành hương đến vùng đất linh thiêng.

Chuyến hành hương trở thành một mong muốn phổ biến của những người dân Nhật Bản đến mức có một bài hát nói về mong ước ít nhất một lần trong đời được đến nơi đây.

Vào những năm cao điểm, khoảng trên năm triệu người hành hương đến Ise Jingu, nếu so với dân số Nhật Bản vào thời điểm đó là 30 triệu người, thì con số đó có nghĩa là 16% dân số đã hành hương đến Ise.

Ngày nay, Ise Jingu tiếp tục là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Nhật Bản với 8,38 triệu khách trong và ngoài nước đến Ise Jingu trong năm 2015.

Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều du khách nơi đây sẽ nhớ mãi cảm giác thanh bình, thư thái tại Ise Jingu, nơi xứng danh là vùng đất thiêng liêng nhất của Xứ sở Mặt trời mọc./.

Hành hương về nơi linh thiêng nhất của Xứ sở Mặt trời mọc ảnh 3Dòng sông Isuzu bên dưới chân cầu Uji. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Hành hương về nơi linh thiêng nhất của Xứ sở Mặt trời mọc ảnh 4Du khách thực hiện nghi thức thanh tẩy Chosuzha trước khi vào đền. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Hành hương về nơi linh thiêng nhất của Xứ sở Mặt trời mọc ảnh 5Khu vườn trên con đường dẫn vào đền Naiku. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục